Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ vận động đòi chế tài Bắc Triều Tiên


Một giới chức cao cấp Hoa kỳ cho biết Washington đang hợp tác chặt chẽ với Nam Triều Tiên để đoan chắc Liên Hiệp Quốc tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington chừa chỗ cho việc Nam Triều Tiên phục hồi công cuộc hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Đặc sứ Hoa kỳ Philip Goldberg hôm nay cho biết việc tiếp tục lại một dự án du lịch tại Bắc Triều Tiên và mở rộng khu công nghiệp chung giữa hai miền Nam Bắc sẽ không can dự tới việc LHQ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Ðặc sứ Goldberg nói: “Theo ước tính của tôi thì vào thời điểm này những vấn đề vừa kể không bao gồm trong nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên. Vả lại, nghị quyết cũng có tính đến công cuộc phát triển kinh tế và nhân đạo.”

Chính quyền của Tổng thống Obama đã giao cho đặc sứ Goldberg nhiệm vụ phối hợp việc thi hành nghị quyết 1874 của LHQ, trừng phạt Bình nhưỡng vì đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân hồi tháng Năm. Nghị quyết vừa kể áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Bắc Triều Tiên và cho phép đưa các công ty có liên kết với Bình nhưỡng về chương trình vũ khí vào sổ bìa đen.

Một loạt các đề nghị hồi gần đây của miền Bắc dẫn tới việc trông đợi phục hồi các dự án kinh tế giữa hai miền. Và sự trông đợi đó đã lên đến mức tột đỉnh trong mấy ngày vừa qua với cuộc họp giữa các đặc sứ cao cấp của Bắc Triều Tiên và Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Mung-Bak.

Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa chính phủ hai miền từ khi ông Lee nhậm chức hồi năm ngoái và bắt đầu thúc giục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, sau các cuộc hội kiến với các giới chức tại Seoul hôm nay, ông Goldberg tuyên bố Hoa kỳ sẽ tiếp tục tạo áp lực đối với Bắc Triều Tiên đòi họ chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Ông Goldberg cho biết: “Ngay lúc này chúng tôi tập trung vào việc thi hành – và thi hành toàn bộ - các nghị quyết. Vì thế quý vị có thể dự kiến là chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đó. Đúng vậy, vì mục tiêu của chúng ta là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quay lại với tiến trình đàm phán đã được xúc tiến.”

Hồi tháng Tư, Bắc Triều Tiên đã từ bỏ cuộc đàm phán bao gồm các nước Nam Triều Tiên, Hoa kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Đặc sứ Goldberg nói rằng một cuộc họp trực tiếp giữa Hoa kỳ và Bắc Triều tiên có thể diễn ra, nhưng chỉ trong phạm vi của cuộc hội đàm 6 nước mà thôi.

Mặt khác, Nam Triều Tiên đã bác bỏ lời đồn đoán của giới truyền thông rằng trong cuộc họp hôm chủ nhật vừa qua giữa các đặc sứ Bắc Triều Tiên và Tổng thống Lee Myung–Bak bao gồm việc thảo luận về một cuộc họp thượng đỉnh hai miền Nam-Bắc.

Một phát ngôn viên của Tổng thống Lee cho biết ông nhắc nhở các đặc sứ miền Bắc rằng chính sách kiên định của Nhà lãnh dạo Nam Triều Tiên vẫn là miền Nam sẽ chỉ trợ giúp cho Bắc Triều Tiên nếu họ từ bỏ tham vọng về vũ khí hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG