Đường dẫn truy cập

Indonesia đối mặt với làn sóng người tị nạn Afghanistan


Trong 18 tháng vừa qua, hàng ngàn người xin tỵ nạn từ Afghanistan đã đổ xô đến Indonesia, với hy vọng đến được nước láng giềng là Australia. Nhưng đối với nhiều người, hành trình dừng lại ở Indonesia, là nước đã không ký vào công ước quốc tế về người tỵ nạn và không ban quy chế tỵ nạn cho họ. Những người này bị kẹt phải chờ một quốc gia khác nhận họ. Từ Puncak Pass, cách thủ đô Jakarta khoảng 60 kilomet về phía nam, thông tín viên VOA Solenn Honorine gửi về bài tường thuật sau đây.

Anh Ali đã thực hiện cuộc hành trình dài và nguy hiểm từ Afghanistan đến Indonesia một mình. Ở độ tuổi 16, anh ôm ấp một vài hy vọng cho một tương lai tươi sáng.

Anh Ali nói: “Tôi đã mất cả gia đình. Chỉ còn lại mình tôi. Tôi không cảm thấy an toàn bởi vì kẻ thù của tôi luôn luôn nói ‘Tao sẽ giết mày.’ Bản thân tôi không cảm thấy an toàn, mãi đến bây giờ.”

Cuộc sống của người Afghanistan tỵ nạn ở Indonesia rất gay go. Họ bị coi là di dân bất hợp pháp và bị đưa vào các trung tâm giam giữ khi đến nơi.

Anh Ali Ahadi nói anh đã ở nhiều tháng trong trung tâm Kalideres ở Jakarta, nơi tình trạng sinh hoạt rất u ám. Rất ít khách thăm được phép đến trung tâm, vì thế qua điện thoại anh mô tả một cơ sở thiếu an toàn, dơ bẩn và đông quá tải, thực phẩm thì không đủ.

Anh Ali cho biết: “Đó là nơi đại loại dành cho những người đi chuyên chở thuốc phiện. Nhốt họ vào đấy. Nhưng không nên đưa người tỵ nạn vào một nhà tù.”

Có khoảng 1,300 người Afghanistan tỵ nạn ở khắp Indonesia, trong các cơ sở được thiết kế để chứa dưới 400 người. Người tỵ nạn bị giữ ở đó cho đến khi hoàn tất thủ tục dài lê thê để được thừa nhận là người xin tỵ nạn, và sau đó được đặt dưới sự chăm sóc của Liên Hiệp Quốc.

Ông Maraloan Barinbing là người phát ngôn cho văn phòng tỵ nạn của Indonesia.

Ông thừa nhận rằng nhà chức trách địa phương bị tràn ngập bởi làn sóng người tỵ nạn vừa đổ vào đây. Nhưng ông nói cộng đồng quốc tế nên giải quyết vấn đề này, bởi vì những người tỵ nạn chỉ có ý định đi quá cảnh qua Indonesia trên đường tới một nước khác.

Đa số người xin tỵ nạn từ Afghanistan đến nơi chưa đầy 18 tháng trước. Đa số nói họ bỏ nước ra đi vì không có lựa chọn nào khác: hoặc là sống lưu vong hoặc là chấp nhận rủi ro bị giết bởi bên này hay bên kia của cuộc chiến tranh trong nước.

Tại một trong các nhà tạm trú cho người tỵ nạn, 3 người đàn ông đang nướng một cái bánh mỏng tròn kiểu Afghanistna.

Ông Abdul Hakem là một người Hồi giáo Shia và xuất thân từ cộng đồng sắc tộc Azara.

Ông Hakem nói cách đây 1 năm rưỡi, ông đã tìm cách trốn thoát khỏi một nhà tù của Taliban và chạy ra khỏi Afghanistan. Đó là lần chót ông được tin vợ và 4 đứa con. Ông nói tình cảnh những người như ông ở Afghanistan đang trở nên tệ hại hơn. Ông nói ông phát điên lên khi nghĩ đến gia đình mỗi ngày.

Có nhiều phần chắc ông Abdul sẽ không gặp lại gia đình một thời gian. Cuộc hành trình của ông chưa kết thúc: bởi vì Indonesia không cấp quy chế tỵ nạn, ông đang chờ được một nước thứ ba nhận. Và việc này có thể phải mất nhiều năm.

Anh Ali Reza Noori đến Indonesia vào năm 2001. Trong 7 năm qua, anh không có nguồn thu nhập nào ngoài tiền trợ cấp của các cơ quan Liên Hiệp Quốc. Anh không thể đi làm và bị hạn chế quyền tự do đi lại. Anh chỉ có thể chờ đợi. Nhưng nay anh vẫn không hối tiếc đã thực hiện cuộc hành trình.

Anh Ali nói: “Tôi cảm thấy an toàn ở đây. Khi còn ở Afghanistna, lúc nào tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho mình. Thật ra, tôi rất thất vọng và vô vọng trong 7 năm này. Nhưng tôi vừa được nhận là người tỵ nạn cách đây 3 hay 4 tháng. Và đó là nguồn hy vọng là một ngày nào đó tôi có thể đến Australia, và tiếp tục cuộc sống thực sự ở đó.”

Anh Ali nói anh không muốn mường tượng cuộc sống sẽ ra sao một khi đến được Australia. Anh không thể chịu nổi nếu lại bị thất vọng. Có thể phải còn nhiều tháng nữa ông mới lên được một chiếc máy bay, định cư ở một nơi nào đó, có công ăn việc làm và vạch ra các kế hoạch cho tương lai. Anh mới 25 tuổi, và cuộc sống trưởng thành mới bắt đầu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG