Đường dẫn truy cập

Miến Điện có chương trình hạt nhân bí mật


Các nhà nghiên cứu ở Thái Lan cho hay 2 người đi đào tỵ từ Miến Điện nói rằng chính phủ quân nhân có một chương trình hạt nhân bí mật nhằm mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân, và 5 năm nữa đã có thể thực hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân. Các nhà nghiên cứu nói rằng những người đào tỵ này cũng liên kết Bắc Triều Tiên với chương trình vừa kể, gây quan ngại thêm về sự kiện Bắc Triều Tiên phổ biến hạt nhân, nếu như những cáo giác đó tỏ ra là đúng sự thực. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong các cuộc phỏng vấn với các nhà nghiên cứu Úc trong khoảng thời gian 2 năm ở Thái Lan, hai người đào tỵ nói rằng một cơ sở hạt nhân bí mật đang được xây dựng trong những đường hầm đào thuộc một khu vực đồi núi ở bắc bộ Miến Điện.

Những người đào tỵ nói họ có liên hệ trực tiếp với chương trình bí mật này, và cho biết mục tiêu của Miến Điện là chế tạo vũ khí hạt nhân.

Lời khai của những người đào tỵ được đăng tải trên báo Sydney Morning Herald, nhưng không công bố tên thực của họ để bảo vệ lai lịch cho họ.

Một trong các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn những người đào tỵ này là ông Desmond Ball, một giáo sư về khảo cứu sách lược của trường Đại học Quốc gia Úc. Báo Herald trích lời ông Ball nói rằng, nếu lời khai của họ là đúng, thì Miến Điện có thể bắt đầu sản xuất một vũ khí hạt nhân ngay vào năm 2014.

Một trong những người đào tỵ, một viên cựu sĩ quan Miến Điện, nói với các nhà nghiên cứu rằng ông ta được đào tạo ở Moscow trong khuôn khổ các kế hoạch của Miến Điện nhằm xây dựng một “tiểu đoàn hạt nhân” với quân số 1,000 người để chế tạo các vũ khí.

Người kia nói rằng ông ta xử lý các hợp đồng về hạt nhân của Miến Điện với Nga và Bắc Triều Tiên và đã sắp xếp việc giao thiết bị vào ban đêm từ Bắc Triều Tiên.

Ông Phil Thornton là một ký giả tự do làm việc ở Thái Lan và là nhà nghiên cứu thứ hai đã phỏng vấn những người đào tỵ. Ông nói rằng mặc dầu những người này không quen biết nhau, lời thuật sự của họ giống nhau về những sự kiện căn bản, khiến cho câu chuyện của họ có phần nào đáng tin cậy.

Ông Thornton nói: “Ngay cả nếu như những gì họ nói chỉ đúng có 10% thì đó vẫn là một mối quan ngại, một mối quan ngại cho khu vực, bởi vì Miến Điện với một cơ sở hạt nhân là một điều hết sức đáng lo.”

Nga đang giúp Miến Điện xây dựng một lò phản ứng hạt nhân dân dụng. Nhưng ông Thornton nói rằng sự hợp tác của chính phủ quân nhân với Bắc Triều Tiên là mối lo ngại thực sự.

Ông Thornton nói: “Miến Điện đã ký hiệp ước cấm phổ biến và có Nga đang làm công tác đào tạo. Tôi không cho rằng đó là mối quan ngại. Nếu Nga và Miến Điện đang hợp tác làm một chuyện gì thì có lẽ là họ theo bản hiệp ước. Nhưng nếu cộng thêm Bắc Triều Tiên vào, là một yếu tố không thể lường trước được và là một nước độc ác, thì mối quan ngại đó lại mang một tầm vóc khác.”

Nhiều mối quan ngại vẫn thường được nêu ra về việc Bắc Triều Tiên và Miến Điện có thể có một liên hệ về hạt nhân.

Hồi tháng sáu, một chiếc tàu của Bắc Triều Tiên được cho là trên đường đi đến Miến Điện chở một khối hàng khả nghi đã quay trở lại dưới áp lực quốc tế.

Tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói với một hội nghị về an ninh châu Á rằng họ cần phải lo ngại về việc hai quốc gia khép kín này có thể đang chuyển nhượng kỹ thuật hạt nhân.

Bà Clinton nói rằng bất kỳ mối liên hệ quân sự nào giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên đều đề ra một mối đe dọa trực tiếp cho khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG