Đường dẫn truy cập

TQ cho phép một số gia đình ở Thượng Hải sinh con thứ 2


Trong nhiều thập niên qua, hầu hết các cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được phép có một con. Tuy nhiên ở một số thành phố, chính sách đó đang thay đổi – gần đây nhất là ở Thượng Hải. Lý do là Trung Quốc cần có thêm người trẻ để chăm sóc cho số người cao niên đang gia tăng nhanh chóng ở nước này. Từ Hong Kong, thông tín viên Kari Jensen của đài VOA gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Sau 10 năm kết hôn gia đình ông Quốc giờ đây đang muốn có con.

Khi được hỏi họ muốn có bao nhiêu con, vợ chồng ông Quốc nhìn nhau rồi cùng trả lời giống nhau.

"Một hoặc hai. Một hoặc hai."

Ông Quốc giải thích: "Tôi nghĩ rằng có lẽ có hai con sẽ tốt hơn cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên bởi chính sách kế hoạch hoá gia đình đã được thực hiện trong quá nhiều năm nay vì vậy mà chính sách này không thể ngay lập tức thay đổi. Nhưng có lẽ chính sách đó sẽ kéo dài thêm vài năm, sau đó chính phủ sẽ thay đổi và có thể những người ở thế hệ sau sẽ có 2 con."

Tuy nhiên, theo chính sách từ thập niên 1970 thì gia đình ông Quốc và hầu hết mọi cặp vợ chồng ở Trung Quốc chỉ được phép có duy nhất một con.

Nhiều chuyên gia dân số và các cặp vợ chồng người Trung Quốc nói rằng chính sách hạn chế này đã lỗi thời. Có dấu hiệu cho thấy chính phủ cũng bắt đầu đồng ý với ý kiến này, và các báo cáo cho thấy việc thực thi chính sách này đã bớt nghiêm khắc hơn.

Gần đây, chính quyền Thượng Hải cho hay một số cặp vợ chồng sẽ được khuyến khích để sinh hai con.

Sophi Li là một nhà giáo người Bắc Kinh và hiện đang nghiên cứu về chính sách công ở trường đại học Hong Kong. Bà nói rằng ban đầu thì chính sách một con đã giúp Trung Quốc quản lý được tốc độ gia tăng dân số vốn bùng nổ sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập và các chương trình chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh được cải thiện.

Với dân số 1,3 tỉ người, hiện nay Trung Quốc là nước có số dân đông nhất thế giới.

Tuy nhiên, qua thời gian, chính sách một con đã đưa đến tỉ lệ 4-2-1, tức là cứ 4 ông, bà thì có hai cha mẹ và có một người con. Bà Li nói rằng điều này có nghĩa là khi dân số Trung Quốc già đi thì chỉ còn ít người lao động và người trẻ để chăm sóc cho người cao niên.

Bà Li nói: "Điều này sẽ gây nên một mối đe doạ cho sự ổn định xã hội, điều đã luôn được chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh."

Ông James Vere là một phó giáo sư tại Trường Kinh tế của Đại học Hong Kong. Ông nói rằng tình trạng dân số già đi của Trung Quốc gây nên những mối đe doạ về mặt xã hội, môi trường và kinh tế đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Ông Vere cho biết: "Nếu quí vị có một người trẻ chăm sóc cho 3 hay 4 người già, và điều này có thể là sự thật, thì vấn đề này là hoàn toàn không thể giúp bảo đảm được sự bền vững."

Để tránh tình trạng này, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết những cặp vợ chồng mà cả vợ và chồng đều là con một thì họ sẽ được khuyến khích sinh hai con. Lý do là những người ở độ tuổi trên 60 chiếm 22% trong tổng số dân của thành phố, và con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 34% vào năm 2020.

Mặc dù Hong Kong là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng chính sách một con của Bắc Kinh không được áp dụng ở nơi đây.

Vào một hôm Chủ nhật gần đây, cặp vợ chồng người Hong Kong Ringo và Eva Lee đẩy xe nôi đưa hai cậu con trai đến thăm người chú. Cô Eva Lee nói rằng những người thân ở Hoa Lục của họ muốn có hai con hoặc nhiều hơn.

Ông Lee nói: "Nếu họ chỉ được phép có một con, thì con của họ sẽ không có anh, chị, em. Và trên thực tế con của họ sẽ có rất ít họ hàng trong tương lai. Không có cô, dì, chú, bác. Thế thì tôi nghĩ đó không phải là điều tốt cho chúng.

Nghỉ ngơi một lát khi đang cùng cô vợ tên Peggy đẩy con đi chơi, anh Ray Yim nói rằng khoản chi tiêu để nuôi con ở Hong Kong và Trung Quốc rất đắt đỏ."

Anh Yim cho biết: "Hệ thống phúc lợi của chính phủ không còn tốt như trước. Quí vị phải chi tiêu một số tiền khá lớn để nuôi một đứa con, bởi vì tính cạnh tranh bây giờ rất cao. Quí vị không thể nuôi con ăn mà không cho con học hành hay là nuôi dạy con như trong quá khứ."

Bắc Kinh cho hay kể từ thập niên 1970, chính sách kế hoạch hoá gia đình của họ đã ngăn được hơn 250 triệu ca sinh đẻ, làm giảm áp lực phải cung cấp đủ lương thực cho dân số đông đúc ở đất nước.

Tuy nhiên chính sách này đã gây tranh cãi tại một đất nước nơi coi trọng gia đình và tổ tiên. Đôi khi chính sách này đã được thực thi một cách hà khắc với những vụ cưỡng bức phá thai và triệt sản.

Mặc dù có sự thay đổi gần đây ở Thượng Hải, vẫn không có chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh sẽ hoàn toàn bãi bỏ chính sách một con trong tương lai gần.

Bà Li, một người nghiên cứu chính sách công, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến những vấn đề về xã hội và kinh tế. Bà cho rằng chính phủ nên chấm dứt chính sách này và cho phép dân số được phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác ước tính rằng tỉ lệ dân số hiện tại của Trung Quốc sẽ bắt đầu co cụm vào năm 2030. Nếu điều này xảy ra thì các số liệu thống kê cho thấy đến trước năm 2050 gần 1/3 dân số nước này sẽ ở độ tuổi trên 60, và chỉ có 48% dân số ở độ tuổi lao động.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG