Đường dẫn truy cập

TQ: Internet là nguyên nhân dẫn tới bạo động ở Tân Cương


Nhà cầm quyền Trung Quốc qui lỗi cho những nhà tranh đấu nước ngoài xúi giục biểu tình bạo động tại Tân Cương và cáo buộc Internet là nguyên nhân gây ra vụ việc này. Các đoàn thể người Uighur đã sử dụng Internet để nhanh chóng lấy được các hình ảnh họ cho là một vụ đàn áp của chính phủ mang tính cách khiêu khích đối với cuộc biểu tình ôn hòa. Từ Bắc Kinh.

Theo bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Stephanie Ho tại Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạn chế vai trò của Internet. Giới hữu trách Trung Quốc đổ lỗi cho các nhà hoạt động nước ngoài đã kích động các cuộc biểu tình bạo động trong tuần này ở Tân Cương đồng thời nói thêm rằng mạng Internet đã giúp họ thực hiện điều đó.

Các nhóm người Uighur đã dùng Internet để nhanh chóng chuyển các hình ảnh cho thấy điều họ cho là một cuộc đàn áp tàn bạo của chính phủ đối với một cuộc biểu tình hòa bình.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai, người đứng đầu Cục Công An Tân Cương, ông Lưu Diệu Hoa, đã quy trách cho Đại hội Uighur Thế giới, một tổ chức quốc tế tranh đấu cho quyền lợi của người Uighur.

Ông Lưu đã cáo buộc tổ chức này đã xuyên tạc chính sách tôn giáo và sắc tộc của Trung Quốc để kích động xung đột. Nhưng đặc biệt, ông này chỉ rõ Internet là một phương tiện chính mà các thế lực nước ngoài sử dụng để liên lạc với người Uighur ở Trung Quốc.

Các nhà hoạt động Uighur nói một cuộc biểu tình ôn hòa hôm Chủ Nhật ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương đã biến thành bạo động sau khi cảnh sát ra tay đàn áp. Nhà chức trách Trung Quốc cáo buộc các tổ chức như Đại hội Uighur Thế giới là âm mưu tổ chức bạo loạn từ xa trong một nỗ lực nhằm mục đích cao nhất là thành lập một Tân Cương độc lập.

Chính phủ cũng hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn thông tin. Giới chức cũng thừa nhận rằng dịch vụ Internet ở Urumqi đã bị cắt, nhưng họ không nói là việc này sẽ kéo dài bao lâu. Giới chức nói rằng việc cắt internet là hợp pháp và là điều cần thiết để duy trì ổn định xã hội.

Tại Bắc Kinh, hệ thống nhắn tin Twitter mà người biểu tình Iran gần đây đã sử dụng để đưa tin về cuộc đàn áp của cảnh sát, đã bị chặn. Và trong khi liên lạc điện thoại di động ở thủ phủ Tân Cương, Urumqi, vẫn hoạt động, rất khó gọi điện đến thành phố này hay gọi quốc tế từ đó.

Ông Tiêu Tường dạy báo chí tại Đại học California ở Berkeley. Ông cũng là người biên tập China Digital Times, một tập hợp nội dung tiếng Hoa trên mạng Internet.

Ông Tiêu nói: “Internet đóng vai trò lớn hơn trong năm nay. Một phần là vì những điều xảy ra ở Urumqi đã nhanh chóng được ghi lại bởi các điện thoại di động có chức năng chụp ảnh, máy ảnh kỹ thuật số hay máy quay video. Có rất nhiều nhân chứng đã nhanh chóng viết và gửi các hình ảnh video lên mạng Internet.”

Ông Tiêu so sánh những gì xảy ra ở Urumqi với các sự kiện diễn ra năm ngoái ở thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, là lúc mấy chục người Tây Tạng đụng độ với các lực lượng an ninh ở đó. Ông Tiêu nói rằng việc sử dụng Internet ở Urumqi thuận tiện hơn ở Lhasa.

Ông Tiêu nói rằng chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng bắt đầu dỡ bỏ tất cả các nội dung Internet có liên quan tới cuộc biểu tình Urumqi và chặn các mạng xã hội.

Vẫn có các cách để vượt qua các giới hạn trên mạng. Ông Tiêu nói rằng người sử dụng Internet Trung Quốc đã sử dụng một chiến thuật gọi là ‘đào mồ.’ Những người sử dụng bản tin trên diễn đàn gửi lên một trả lời cập nhật đối với một nội dung cũ đề cập tới Tân Cương mà chưa bị xóa.

Ông Tiêu nói tiếp: “Về cơ bản, đó là một cách giả trang để thảo luận về các vấn đề bị ngăn cấm ngay dưới mũi những người biên tập các diễn đàn đó, và nó đã tỏ ra có hiệu quả.”

Ông Tiêu nói rằng các ý kiến trên các diễn đàn mạng đa dạng hơn nhiều so với trên truyền thông nhà nước Trung Quốc. Một số ủng hộ việc chính phủ sử dụng vũ lực để đàn áp bạo loạn. Nhưng một số người sử dụng khác tỏ ra nghi ngờ về cách thức chính phủ giải quyết tình hình, đồng thời tỏ ra quan tâm hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng bạo động.

Người Uighur là một nhóm thiểu số phần lớn theo Hồi giáo có các quan hệ ngôn ngữ và văn hóa với Trung Á. Từ nhiều năm nay, nhiều người đã phàn nàn rằng người Hán chiếm đa số đã chiếm quê hương truyền thống của họ là Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc, và rằng họ phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử của chính phủ.

Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Washington, ông David Bachman, nói rằng những hình ảnh của cuộc đàn áp cho thấy việc sử dụng vũ lực ‘rộng khắp’ và ‘nhiều khi khá tàn nhẫn.’ Bất chấp sự chỉ trích Internet của chính phủ, việc phát tán các bức ảnh như thế cũng giúp truyền đi cảnh báo cứng rắn của Bắc Kinh.

Ông Bachman: “Rõ ràng chính phủ Trung Quốc cảnh báo người Uighur cùng các nhóm người ở Tân Cương, người Tây Tạng và các nhóm thiểu số khác cùng những người biểu tình trong nước ngay giữa lòng Trung Quốc rằng các cuộc biểu tình sẽ đụng phải các biện pháp nghiêm khắc và gay gắt. Chớ nên nghĩ tới việc biểu tình.”

Ông Bachman nói rằng việc đàn áp đối với cả nhóm thiểu số nổi loạn cũng như việc tiếp cận thông tin của dân chúng có thể giải quyết được các vấn đề ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều đó sẽ chỉ gây ra thêm hận thù và phản đối.

Ông Bachman nói không có cách giải quyết nào nhanh chóng làm dịu tình trạng căng thẳng đã kéo dài giữa người Hán và người Uighur. Dẫu vậy, ông nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm cho tình hình tốt đẹp hơn nên tập trung đầu tiên vào các vấn đề sâu rộng hơn, như việc làm giảm bớt tình trạng bất quân bình, sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG