Đường dẫn truy cập

Học giả, trí thức TQ lên án vụ bắt giữ ông Lưu Hiểu Ba


Nhiều học giả và trí thức Trung Quốc mới đây đã lên tiếng yêu cầu giới hữu trách Bắc Kinh trả tự do cho nhà văn Lưu Hiểu Ba – là người bị chính thức bắt giam hôm 23 tháng 6 về tội gọi là ‘âm mưu lật đổ chính phủ.’ Nhà văn Lưu Hiểu Ba đã soạn thảo một văn kiện có tên là Hiến chương 08 mà chúng tôi đã có dịp tường thuật với quí vị hồi hạ tuần tháng 12 năm 2008. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Thưa quí vị, các nhà báo ở Bắc Kinh mới đây lại được nghe người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập lại một câu nói mà họ nghĩ là có lẽ nằm ở đâu đó trong một cuốn cẩm nang mà các chế độ độc tài vẫn thường dùng để tiến hành những vụ bách hại chính trị.

Ông Tần Cương nói: "Tôi muốn nhấn mạnh với quí vị rằng Trung Quốc là một quốc gia cai trị theo luật pháp. Các cơ quan tư pháp dựa theo pháp luật để xúc tiến vụ án, và vấn đề xử lý vụ án như thế nào là hoàn toàn thuộc về công việc nội bộ của ngành tư pháp của Trung Quốc."

Ông Tần Cương đã phát biểu như thế hôm 25 tháng 6, sau khi phát ngôn viên Richard Buangan của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh bày tỏ sự bất bình của Washington đối với việc Trung Quốc chính thức bắt giam nhà văn Lưu Hiểu Ba hai ngày trước đó về tội gọi là ‘âm mưu lật đổ chính phủ.’ Nhà văn Lưu Hiểu Ba, từng giữ chức Chủ tịch Trung tâm Văn bút Độc lập Trung Quốc, là người đã soạn thảo bản Hiến chương 08 [xin bấm vào đây để đọc bản tiếng Việt của Hiến chương 08] để đòi hỏi chính quyền thực thi cải cách dân chủ.

Ông Mạc Thiếu Bình, một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, đã nhận định như sau về vụ bắt giữ này trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.

Ông Mạc Thiếu Bình nói: "Hiến chương 08 vốn được dự định là sẽ công bố vào ngày 10 tháng 12 năm 2009. Ngày 10 tháng 12 chính là ngày kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Tuyên ngôn này là văn kiện pháp luật chính thức của Liên hiệp quốc. Với tư cách là một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc không thể nào phủ nhận bản tuyên ngôn này của Liên hiệp quốc. Trong khi đó, những tín niệm và giá trị mà Hiến chương 08 nêu lên đều phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Hiến chương này chẳng những không hề vi phạm các qui định của hiến pháp Trung Quốc mà còn phù hợp với những giá trị phổ quát của loài người, như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, vân vân… Cho nên việc dựa vào việc soạn thảo và công bố hiến chương này để truy tố ông Lưu Hiểu Ba về tội âm mưu lật đổ chính phủ là một việc hoàn toàn không có cơ sở."

Luật sư Mạc Thiếu Bình đã cho biết như thế trong lúc hơn 50 học giả và trí thức Trung Quốc, kể cả những đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng Sản, lên tiếng yêu cầu nhà chức trách trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.

Ông Đỗ Quang, cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương, nói rằng việc nhà đương cuộc Trung Quốc bắt giam ông Lưu Hiểu Ba là một sai lầm rất lớn.

Ông Đỗ Quang nói: "Các bài viết của ông Lưu Hiểu Ba và Hiến chương 08 không hề có yếu tố âm mưu lật đổ chính phủ. Hiến chương này và các bài viết của ông đều xuất phát từ những suy xét và kết luận hợp lý: đó là dùng phương thức hòa bình, bất bạo động để tăng cường cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế chính trị, để thực hiện dân chủ hóa, thực hiện dân chủ hiến chính. Đây là đường hướng chính xác mà dân tộc Trung Hoa phải đi theo. Việc qui kết âm mưu lật đổ chính phủ cho một quan điểm như vậy là nói trắng thành đen, là một việc hết sức vô lý."

Giáo sư Đỗ Quang nói thêm rằng việc ông ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba là một hành động thể hiện trách nhiệm của một đảng viên Đảng Cộng Sản.

Ông Đỗ Quang nói tiếp: "Tôi làm như vậy chính là thể hiện trách nhiệm của một người đảng viên Cộng Sản. Tiền đồ của dân tộc Trung Hoa bắt buộc phải đi qua chủ nghĩa dân chủ. Mao Trạch Đông có nói ‘phải đi qua chủ nghĩa dân chủ mới tới được chủ nghĩa xã hội.’ Trên thực tế, Hiến chương 08 mang lại cho chúng ta một lộ đồ để thực hiện dân chủ. Và tôi nghĩ rằng Trung Quốc phải thực hiện Hiến chương 08 mới có thể tạo điều kiện cho việc thực hiện xã hội chủ nghĩa."

Ông Trương Tổ Hoa là một trong 303 trí thức văn nghệ sĩ ký tên vào Hiến Chương 08 hồi thượng tuần tháng 12 năm ngoái. Ông cho biết rằng việc vận động đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba là một việc không thể từ nan về mặt đạo đức.

Ông Trương Tổ Hoa nói: "Tôi nghĩ rằng việc yêu cầu trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba là một việc cần phải làm bởi vì ông ấy đang ngồi tù thay cho chúng tôi, cho những người đã ký tên vào Hiến Chương 08. Điều này chủ yếu là để bày tỏ lập trường nguyên tắc của chúng tôi đối với dân chủ, nhân quyền, pháp trị; đối với những giá trị phổ cập của loài người. Đây cũng chính là những giá trị được nêu ra trong Hiến chương 08. Nếu muốn xây dựng một quốc gia pháp trị chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ các quyền con người được ghi rõ trong hiến pháp. Tôi nghĩ rằng mọi người trong giới trí thức cần phải lên tiếng phản đối, chứ không thể khoanh tay đứng yên trước sự việc là chính quyền đã tước đoạt tự do của một người chỉ vì người đó hành sử quyền tự do ngôn luận và quyền tự do diễn đạt."

Giáo sư Thôi Vệ Bình của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh cũng cho rằng vụ bắt giữ nhà văn Lưu Hiểu Ba đi ngược với những qui định của hiến pháp Trung Quốc về việc tôn trọng các quyền tự do cơ bản.

Ông Thôi Vệ Bình nói: "Tôi nghĩ rằng hai việc này mâu thuẫn với nhau. Vì ông Lưu Hiểu Ba từ trước tới nay vẫn làm công việc của mình trong khuôn khổ của những việc được hiến pháp hiện hành cho phép. Ông Lưu Hiểu Ba là một người cầm bút. Những ngôn từ và hành động của ông không hề vượt khỏi giới hạn của luật pháp. Rõ ràng là những ý kiến của ông có tính chất phê phán, nhưng ở Trung Quốc ngày nay có vô số ý kiến khác nhau; và để giải quyết những vấn đề xung đột hay mâu thuẫn trong xã hội tôi nghĩ rằng chúng ta phải thông qua thảo luận và hiệp thương. Thông qua hiệp thương để giải quyết những ý kiến bất đồng hoặc những quyền lợi mâu thuẫn nhau. Tôi hy vọng rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ được trả tự do trong nay mai."

Trong khi đó, một học giả khác ký tên vào thỉnh nguyện thư, giáo sư Từ Hữu Ngư của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng sự lên tiếng của giới học thuật Trung Quốc là một ‘việc rất có ý nghĩa.’

Ông Từ Hữu Ngư nói: "Tôi nghĩ rằng đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Ít ra thì việc này cho thấy rằng một bộ phận đáng kể của giới trí thức Trung Quốc không tán đồng việc đối xử như vậy với ông Lưu Hiểu Ba. Còn về vấn đề là sự kêu gọi này có tác dụng gì hay không thì tôi không đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải nói rõ lập trường của mình."

Thưa quí vị, lời phát biểu vừa rồi của giáo sư Từ Hữu Ngư đã kết thúc tiết mục Á châu tuần này, nói về sự phản đối của các học giả và trí thức Trung Quốc đối với việc nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba bị bắt giam vì đã soạn thảo Hiến chương 08, đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh thực thi cải cách dân chủ.

Tiểu sử của ông Lưu Hiểu Ba

Ông Lưu Hiểu Ba, năm nay 53 tuổi, đã tốt nghiệp Cử nhân Văn chương ở Đại học Cát Lâm và giảng dạy tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh sau khi lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ ở trường này. Ông từng làm giáo sư thỉnh giảng tại các đại học ở Oslo, Hawaii, và New York.

Năm 1989, khi sinh viên Trung Quốc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn, ông từ Hoa kỳ về nước để hỗ trợ cho các sinh viên và đã khuyên họ rời khỏi quảng trường này để tránh bị sát hại. Sau đó ông bị giam cầm gần hai năm ở nhà tù Tần Thành, nơi mà giới hữu trách Trung Quốc giam giữ các tù nhân chính trị.

Trong thập niên 1990 ông bị nhà chức trách tuyên án 3 năm tù cải tạo lao động vì đòi hỏi chính quyền xét lại nhận định về biến cố ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989.

Hôm 8 tháng 12 năm 2008, hai ngày trước khi Hiến chương 08 được chính thức công bố, ông Lưu Hiểu Ba bị công an bắt giam tại một nơi bí mật ở ngoại ô Bắc Kinh cho tới khi bị chính thức bắt giữ hôm 25 tháng 6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG