Đường dẫn truy cập

LHQ triệu tập hội nghị về kinh tế


Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã mở một hội nghị kéo dài trong 3 ngày kể từ thứ tư để thảo luận và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trên 140 quốc gia cử đại diện đến dự hội nghị, với hy vọng quyết định được các phương cách đáp ứng khẩn cấp cũng như trường kỳ nhằm làm dịu bớt tác động gây ra bởi cuộc khủng hoảng, nhất là tại những nước nghèo nhất thế giới. Từ trụ sở của Liên hiệp quốc tại New York, Thông tín viên Margaret Besheer có thêm chi tiết về hội nghị này như sau:

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói rằng thế giới vẫn còn đang chật vật để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính tệ hại nhất kể từ khi Liên hiệp quốc được thành lập trong hơn 60 năm qua.

Ông Ban Ki-moon nói: “Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới.”

Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói ông tin rằng trách nhiệm của các nước đã phát triển là giúp các nước nghèo hơn khắc phục cơn giông bão kinh tế hiện nay.

Hồi tháng 4, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thủ đô London của Anh, ông Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã yêu cầu các nhà lãnh đạo các nước đóng góp trên 1 ngàn tỉ đôla trợ giúp tài chính cho các nước nghèo.

Trong khi hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc đang diễn ra, ông Ban Ki-moon cho biết ông sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo của 8 quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu giữ lời cam kết họ đã đưa ra, khi 8 nước này họp tại Ý vào tháng tới.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc nói: “Đó là lý do vì sao tôi vừa gửi một bức thư đến các nhà lãnh đạo khối G-8, thúc giúc họ đưa ra các cam kết cụ thể, cũng như hành động rõ ràng để khẳng định quyết tâm của chúng ta trong vấn đề này.”

Ông Ban Ki-moon nói rằng bức thư ông gửi các nhà lãnh đạo G-8 nhấn mạnh đến sự cần thiết về những nguồn lực nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng với tình trạng khí hậu biến đổi và kêu gọi các nhà lãnh đạo giữ đúng các cam kết về viện trợ nhằm giúp đạt được Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo cũng như bài trừ bệnh tật trước năm 2015.

Liên hiệp quốc có 192 nước thành viên, và 142 nước cử đại diện đến dự hội nghị. Qua lời một thông dịch viên, Phó Tổng thống Aristides Mejia Carranza của Honduras, một trong các đại biểu dự hội nghị giải thích những tác động về kinh tế của cơn khủng hoảng tài chính đối với quốc gia ông.

Phó Tổng thống Honduras nói: “Trong năm nay, lượng tiền từ nước ngoài chuyển về giảm, xuất khẩu giảm, và du lịch giảm, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế giảm chỉ còn 2%.”

Ông nói rằng mặc dù tỉ lệ sút giảm này so ra khả quan hơn mức trung bình trên toàn cầu, nó có thể đe dọa những thành quả trong công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được trong mấy năm qua.

Theo các nhà phân tích thì tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế của Honduras, giống như ảnh hưởng của nó đối với nhiều quốc gia đang phát triển khác, nhất là các nước châu Phi, và đó là điểm đã được Phó Tổng thống Zimbabwe Joyce Mujuru nêu bật.

Phó Tổng thống Zimbabwe nói: “Ở tầm mức phát triển thấp hơn, quốc gia của chúng tôi rất dễ bị giao động theo các thị trường thế giới. Diễn ra ngay sau cuộc khủng hoảng lượng thực thực phẩm và khủng hoảng năng lượng, cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững, cũng như phát triển bên vững của châu Phi, và có thể làm đảo ngược tiến bộ mà cho đến giờ châu lục này đạt được để tiến đến các mục tiêu phát triển đã được quốc tế thỏa thuận, trong đó có Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Trong 3 ngày họp tới đây, Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ nghe từng phái đoàn các nước phát biểu, cũng như sẽ mở các cuộc thảo luận bàn tròn, trao đổi ý kiến về việc làm thế nào giảm bớt các hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong lãnh vực phát triển.

Các nước đang phát triển thúc giục Liên hiệp quốc triệu tập một hội nghị cấp cao trong thời gian diễn ra hội nghị tài trợ, và phát triển trong thành phố Doha của Qatar vào tháng 12 năm nay.

Các nước này nói rằng họ muốn có một diễn đàn để nói lên quan điểm của mình. Tuy nhiên tiến trình hoạch định đưa tới cuộc họp trong tuần này có quá nhiều khó khăn trong đó có vấn đề làm sao lôi cuốn được sự tham gia ở cấp cao và thương thảo một văn kiện để đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG