Đường dẫn truy cập

Afghanistan sẽ là đề tài hàng đầu trong nghị trình hội nghị NATO


Khi các nhà lãnh đạo NATO tụ tập tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 3 và 4 tháng 4 tới đây, một trong những vấn đề chủ yếu trong nghị trình thảo luận sẽ là vấn đề Afghanistan Cách đây 2 năm rưỡi, Liên minh NATO đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm chính của quốc tế tại Afghanistan, kết quả các nỗ lực ấy được đánh giá là tích cực về một số khía cạnh, và tiêu cực ở một số khía cạnh khác. Từ Ngũ giác Đài, Thông Tín Viên Al Pessin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình rằng Afghanistan đã tác động đến NATO tương tự như NATO đã tác động đến Afghanistan.

Nhiệm vụ của NATO tại Afghanistan là giảm bớt gánh nặng của Hoa Kỳ, rút ngắn thời gian cho đến ngày Afghanistan trở thành một quốc gia hòa bình và thịnh vượng, đồng thời xác định lại sứ mạng mới của liên minh trong thế kỷ 21, xét sự kiện liên minh này đã được thành lập để chống lại một đối thủ chung trong chiến tranh lạnh.

Thay vào đó, Hoa Kỳ tiếp tục gánh vác phần lớn gánh nặng quân sự, tình hình an ninh tại Afghanistan trở nên sa sút và các nỗ lực tại đây đã nhiều nghi vấn về khả năng thành công của NATO trong một cuộc chiến gay go, cách xa biên giới các nước NATO tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Bà Sally McNamara, một chuyên gia phân tích người Anh làm việc tại Sáng hội Heritage có trụ sở tại Washington đã đưa ra một số nhận định.

Bà McNamara nói: “Từ trước tới nay, liên minh NATO vẫn trải qua những thời kỳ thăng trầm, tôi nghĩ là bất cứ tin đồn nào hiện nay cho rằng tổ chức này đang gặp nguy cơ nghiêm trọng, đều là những điều phóng đại. Theo tôi những tin đồn về sự cáo chung của NATO luôn luôn là những đồn đoán không có cơ sở.”

Nhà phân tích McNamara nhận định về vấn đề Afghanistan.

Bà McNamara nói: “Nhiệm vụ trọng tâm của NATO là bảo vệ các nước thành viên. Và can thiệp vào Afghanistan thực sự có nghĩa là tổ chức này đã vượt ra ngoài nhiệm vụ bảo vệ cá nước thành viên. Tôi không nghĩ đây được xem như là NATO đã đi quá đà. Đây chỉ là một sự thích ứng với hoàn cảnh mà chúng ta phải đối phó.”

Bà McNamara cho biết thêm là các nước châu Âu cần phải nhớ là quân đội của họ được gởi sang Afghanistan là để chống lại quân khủng bố đã và có thể tấn công châu Âu.

Tuy nhiên mang nhiệm vụ của NATO ra khỏi khu vực trách nhiệm của mình đã cho thấy có những khó khăn về quân sự và chính trị. Nhiều quốc gia thành viên NATO chỉ có thể đóng góp một số quân giới hạn. Những nước thành viên khác đưa ra những hạn chế trong việc quân đội của họ được sử dụng như thế nào và hạn chế mức hiểm nguy mà nhiệm vụ của những binh sỹ của họ có thể phải gánh chịu. Và nhiều chính phủ tại các nước NATO bị hạn chế về những điều họ có thể làm tại Afghanistan do sự chống đối mạnh mẽ của công luận.

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates than phiền về tình trạng này trong bài diễn văn ông đọc tại Anh tháng 10 năm ngoái.

Bộ trưởng Gates nói: “Mặc dù các chính phủ và giới chức quân sự có ý định tốt và dù có hơn hai triệu binh sĩ nam và nữ phục vụ trong quân đội của các nước thành viên NATO. Liên minh phải vất vả trong việc tập họp được một vài ngàn quân và vài chục máy bay trực thăng cho các vị chỉ huy quân sự của chúng ta tại Afghanistan sử dụng.”

Trên thực tế, Hoa Kỳ và một nhóm nhỏ các nước thành viên tiếp tục đảm nhận hầu hết các các nhiệm vụ tác chiến và chịu hầu hết những thiệt hại nhân mạng tại Afghanistan, trong khi các quốc gia khác của NATO chỉ phải tuần tra tại các khu vực tương đối yên ổn, hay chỉ gởi các nhân viên trợ giúp dân sự mà thôi. Bà McNamara gọi điều đó là tuyệt đối không thể chấp nhận được.

Bà McNamara nói: “Chúng ta luôn luôn tự hỏi là một liên minh có hai tầng sẽ như thế nào, và một liên minh hai tầng chính yếu là một liên minh bị chia rẽ. Chúng ta phải nói cho các quốc gia khác là nếu các ông muốn ở trong liên minh này, nếu các ông muốn hưởng lợi từ liên minh thì các ông phải chia sẻ cái giá của nó.”

Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates cũng yêu cầu NATO đừng trở nên là một nơi chỉ để hội họp, chuyện vãn và ông đã bỏ nhiều thời gian trong năm đầu tại chức của ông để thuyết phục liên minh gửi thêm quân đến Afghanistan.

Tuy nhiên năm ngoái ông bắt đầu thay đổi lập trường, chấp nhận sự kiện là một số các quốc gia đồng minh không thể vượt qua được những trở ngại khiến lực lượng quân sự của họ tại Afghanistan vẫn còn thấp và việc sử dụng số quân này vẫn phải chấp nhận những hạn chế rất cao. Do đó Bộ trưởng Gates cho biết là ông có những thông điệp khác cho những đối tác của ông tại cuộc họp mới đây của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Ba Lan vào tháng hai vừa qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói: “Trọng điểm của tôi tại cuộc họp Krakow đưa ra cho các đối tác của chúng tôi thực ra nhiều hơn là những việc có thể thực hiện được trong khả năng về dân sự, dù đó là giúp việc cai trị hay huấn luyện cảnh sát hoặc phát triển kinh tế hay những chuyện khác nữa.”

Các chuyên gia cho rằng Afghanistan cần những chuyên viên dân sự như thế để giúp cai trị và phát triển cũng tương đương như việc cần quân đội nước ngoài để giúp huấn luyện lực lượng quân sự và giúp thiết lập an ninh cho nước này Các Đồng Minh châu Âu sẽ vui lòng trợ giúp việc này.

Tại trường đại học quốc phòng Hoa Kỳ, giáo sư Hans Bennendijk có nhận xét là các nhà lãnh đạo NATO cần có những nỗ lực mới thuyết phục dân chúng nước họ, là Liên Minh NATO có liên hệ trọng yếu đối với an ninh của chính họ, và không phải chỉ chú trọng duy nhất vào Afghanistan mà thôi.

Giáo sư Bennendijk nói: “Điều quan trọng là đừng để dân chúng của Liên minh nghĩ rằng NATO chỉ chú trọng đến Afghanistan mà thôi. Theo một nghĩa là chúng ta cần phải đưa NATO trở về lãnh thổ của Liên minh. Chúng ta cần phải nhắc nhở cho dân chúng trong liên minh là vẫn còn có một số những thách thức về an ninh ngay trong lòng châu Âu và Hoa Kỳ, Canada, là những vùng lãnh thổ của hiệp ước cần phải được chú ý đến.”

Các chuyên gia phân tích cho rằng hội nghị thượng đỉnh của NATO sẽ là một điểm nối quan trọng trong lúc liên minh tiếp tục vạch hướng đi tới và xác định những nhiệm vụ mới. Tuy nhiên các chuyên gia nhận xét là trước tiên liên minh cần phải hoàn thành những gì mà liên minh đã bắt đầu tại Afghanistan. Ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine và hiện cộng tác với viện nghiên cứu Brookings, tuyên bố là việc đến thăm châu Âu của Tân Tổng Thống Hoa Kỳ có thể giúp tiến bước xa hơn nữa trong vấn đề này nếu ông có một kế hoạch tốt.

Ông Pifer nói: “Nếu Tổng Thống Barack Obama đi gặp gỡ với những đối tác NATO và ông có một kế hoạch có thể tin cậy được, một kế hoạch mà NATO nghĩ lã có cơ hội có thể thực hiện trong một thời hạn nhất định thì điều này có thể làm tăng cơ may được châu Âu chấp nhận.”

Đây là một kế hoạch mà các viên chức cao cấp của chính quyền mới đã phải soạn thảo trong nhiều tuần lễ và được Tổng Thống Barack Obama duyệt lại lần chót và sẽ trình bày một cách thuyết phục cho liên minh tại cuộc họp thượng đỉnh vào hôm nay.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG