Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Tài chính Geithner trình bày kế hoạch xóa bỏ nợ xấu


Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner hôm qua đã trình bày kế hoạch của chính quyền Tổng thống Obama để xóa bỏ những món nợ xấu ra khỏi sổ sách của các cơ chế tài chánh của nước Mỹ. Thông tín viên Barry Wood của đài VOA tại thủ đô Washington có bài tường trình chi tiết sau đây.

Trọng tâm của kế hoạch của ông Geithner là lập một đối tác công-tư để mua lại các món nợ xấu đã làm kiệt quệ các ngân hàng Hoa Kỳ và gây gián đoạn công cuộc cho vay bình thường.

Lên tiếng tại hội nghị tài chánh do báo The Wall Street Journal bảo trợ, Bộ trưởng tài chánh Geithner cho biết chính phủ sẽ cung cấp tất cả số tiền cần thiết để giúp cho kế hoạch hoạt động có hiệu quả.

Ông Geithner nói: “Là một thành phần thiết yếu trong chương trình này, chúng tôi muốn nói rõ là chúng tôi sẵn sàng cung cấp vốn cho hệ thống.”

Không ai biết được là sẽ cần đến bao nhiêu tiền của chính phủ. Nhưng trong 6 tháng qua chính phủ đã hứa dành 700 tỉ đôla để giải quyết các món nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thị trường chứng khoán đã rầm rộ bày tỏ tin tưởng vào kế hoạch của ông Geithner vì giá chứng khoán đã tăng mạnh gần 7%, là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Các nhà phân tích nói rằng nếu kế hoạch của ông Geithner không phục hồi được hệ thống tài chánh thì sẽ không còn lựa chọn nào khác hơn là quốc hữu hóa ngắn hạn các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Bộ trưởng tài chánh Geithner ám chỉ là khả năng đó có thể xảy ra khi ông nói rằng kế hoạch của ông tìm cách vạch ra một con đường giữa việc không làm gì cả và việc để cho chính phủ tiếp quản các ngân hàng này.

Ông Geithner nói: “Tôi tin tưởng là việc quốâc hữu hóa các ngân hàng thua lỗ sẽ đặt chúng tôi trong tư thế mà chính phủ chấp nhận những rủi ro mà chính phủ không hiểu rõ, không thể điều hành có hiệu quả, rất có thể phải trả giá quá cao cho những tài sản đó và những cáo buộc là chúng tôi dành một hình thức trợ cấp ngụy trang cho các ngân hàng mà không biện minh được.”

Ông Geithner nói rằng phải mất vài tuần lễ thì các thị trường tài chánh mới đánh giá đúng mức kế hoạch của ông.

Kinh tế thế giới bắt đầu lâm vào tình trạng trì trệ trầm trọng hồi tháng 8 năm 2007 khi xảy ra tình trạng người vay tiền mua nhà không trả đựơc nợ tại Hoa Kỳ đã khiến thị trường tài chính hạn chế việc cho vay. Vào lúc nền kinh tế Hoa Kỳ, rồi đến nền kinh thế giới rơi vào cuộc suy thoái, nhiều nỗ lực nhằm nới lỏng thị trường tín dụng đã thất bại.

Trước các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, ông Geithner cho rằng điều cấp thiết là phải cải tổ hệ thống tài chánh.

Ông Geithner nói: “Hệ thống tài chánh quá mong manh, bị tác động quá dễ dàng trước những sự đảo lộn. Hệ thống này không định ra một tập hợp các biện pháp phân quyền và kiểm soát về việc chấp nhận rủi ro đã đưa đến các hậu quả toàn bộ.”

Chính ông Geithner cũng đang bị áp lực vì đã để cho công ty bảo hiểm AIG hiện đang do chính phủ kiểm soát chi những số tiền thưởng lớn cho nhân viên. Nhưng Tổng thống Obama mạnh mẽ bênh vực cho vị bộ trưởng tài chính do ông bổ nhiệm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG