Đường dẫn truy cập

Các tiệm bán hàng hiệu đã dùng ở Hồng Kông làm ăn khấm khá


Những tiệm bán hàng hiệu đã dùng rồi đang thấy doanh số của họ gia tăng, ngay tại Hong Kong, là trung tâm của thị trường hàng sang trọng tại châu Á. Từ Hong Kông thông tín viên Kari Jensen của đài VOA tường trình thêm chi tiết.

Vào một trưa thứ Bảy mới đây, đám đông chen chúc tại tiệm Milan Station để mua những chiếc ví xách tay nhãn hiệu nổi tiếng. Thỉnh thoảng một khách hàng lấy một cái khỏi kệ, đeo lên vai hay là kẹp dưới tay để thử kích cỡ.

Những chiếc ví tay nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton hay Chanel trưng bày bảng giá 200 đôla hay hơn, nhưng phần lớn đều đã được dùng qua, cho nên được bán với giá rẻ hơn giá gốc.

Cô Du Xương thường sắm đồ tại tiệm Milan Station tại Vịnh Causeway. Cô cho biết cô và các bạn bè thường mua những mặt hàng sang trọng nhưng đã được giảm giá, để đáp ứng với cơn suy trầm kinh tế.

Cô Du nói: “Bởi vì nếu với một giá hời như vậy mà mình mua được một vật dụng chất lượng cao, tại sao lại phải do dự?”

Cô Xương mang một túi sách màu xanh rêu hiệu Lindy mà cô mua tại Milan Station. Chiếc túi sách do nhà tạo mẫu Hermes của Pháp được bán với giá 4,000 đồng, nếu đã dùng qua. Khi còn mới, giá của nó có thể lên tới hơn 6,000.

Những tiệm bán lẻ hàng sang trọng chiếm các khu vực mua bán chính của Hồng Kông. Thành phố này không đánh thuế những mặt hàng sang trọng, như đồ trang sức, quần áo hay đồ da. Trong nhiều thập niên, Hồng kông đã lôi cuốn du khách từ khắp nơi tại Châu Á đến kiếm mua hàng với giá hời.

Tuy vậy, nền kinh tế tại đây đã bị suy thoái lần đầu tiên từ 5 năm qua. Những tiệm bán đồ nguyên giá đều bị ế hoàn toàn hoặc mức bán hạ giảm. Nhưng một số tiệm bán lẻ bán những loại hàng sang trọng giảm giá hoặc đã dùng qua bắt đầu khấm khá.

Ông Tony Chan là viên chức tiếp thị chính của tiệm Milan Station. Ông cho biết từ khi có cơn khủng hoảng kinh tế, 10 cửa hàng Milan Store đã gia tăng doanh số từ 5% tới 7%, so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Ông Chan nói người Hồng Kông thích những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng, nhất là những nhãn hiệu như Louis Vuitton hay Gucci, là những thứ mang những dấu hiệu dễ nhận biết.

Ông Chan nói: “Họ thích nhất là hiệu Louis Vuitton và Gucci vì họ muốn phô trương. Khi anh mua một cái túi xách tay, tôi cho anh thấy đó là một nhãn hiệu cao cấp và rất dễ nhận biết. Vậy đó!”

Ông Chan nói tiệm Milan Station gần Times Square trong Vịnh Causeway đôi khi bán được 100 cái túi mỗi ngày. Giá cả khởi sự khoảng từ 200 đô một cái.

Trong một thương xá cao cấp gần đó, vào một buổi trưa chủ Nhật, không có một người khách nào đến mua tại 2 tiệm cao cấp bán những túi xách nhãn hiệu tạo mẫu sang trọng, nhưng với giá bình thường.

Brand Off là một hệ thống cửa hàng khác bán giảm giá túi xách nhãn hiệu nổi tiếng và những vật dụng khác tương tự đã được dùng qua. Vào giữa tháng 1 và tháng 3, cả 2 tiệm ở Hồng Kông của họ đều đạt doanh số cao, so với năm ngoái.

Brand Off đã mở cửa tiệm thứ 2 vào tháng 10 vừa rồi và dự định mở một tiệm thứ 3 vào cuối năm nay. Công ty còn có 42 tiệm khác tại Nhật Bản.

Khách hàng từ Nhật và Đài Loan thường mua những túi xách hàng hiệu đã dùng qua tại Hồng Kông đem về nước để bán lại.

Mới đây, bà Angie Lưu đã mua 30 túi xách hiệu Bottega, Chanel và nhiều túi xách hàng hiệu cũ tại tiệm Milan Station tại vịnh Causeway. Bà dự định bày bán lại tại cửa tiệm của mình tại Đài Bắc.

Bà Lưu cho biết khách hàng của bà ưa thích cả 2 loại túi xách hàng hiệu, vừa loại đã dùng qua, vừa loại mới nhưng đã giảm giá.

Bà Ellen McNally là tác giả cuốn sách hướng dẫn mua sắm 'Mua sắm tại Hồng Kông'. Bà nói một số người Hồng Kông có thể không thích mua sắm túi xách và quần áo đã dùng qua loại trung bình, nhưng họ vẫn mua những hàng đã dùng qua nhưng thuộc loại cao cấp.

Bà McNally nói: “Đó lại là chuyện khác. Nó hấp dẫn đối với những người mê những món hàng cao cấp. Người ta sẵn sàng chi ra hàng ngàn để có một cái túi xách để nói lên rằng: “Tôi mua đồ của Fendi. Tôi mua một nhãn hiệu nổi tiếng.”

Bà McNally nói những hàng hiệu đã dùng qua 'không phải là rẻ'. Giá bình thường có thể tới 1,300 hay hơn nữa. Được biết các cửa tiệm thường bán những món hàng đã dùng qua với giá giảm từ 30% tới 50% so với giá gốc.

Bà McNally đề nghị mọi người muốn mua hàng hiệu đã dùng qua với giá rẻ hơn hãy đến mua sắm tại Pedder Building trong khu Central.

Những tiệm Oxfam trong Vịnh Causeway và khu Central cũng bán những loại hàng hiệu cũ được hiến tặng cho tổ chức phi lợi nhuận này. Nhưng khác với Milan Station và Brand Off, các cửa hàng của tổ chức Oxfam còn bán sách, CD và đồ gia dụng đã qua sử dụng.

Bà Melanie Xương của tổ chức Oxfam cho biết số khách hàng tại 2 tiệm của tổ chức đã không hề tăng lên từ khi nền kinh tế toàn cầu co cụm. Bà Xương nói những khách hàng thường mua sắm tại các cửa hàng của Oxfam đang giảm mức chi tiêu và mua sắm ít đi.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG