Đường dẫn truy cập

Ðối đầu chính trị vẫn tiếp diễn ở Madagascar


Tại Madagascar, các binh sĩ đã chiếm một văn phòng của Tổng Thống Marc Ravalomanana, vài tiếng đồng hồ sau khi thủ lãnh đối lập Andrey Rajoelina đòi bắt giữ ông, và kêu gọi ông từ chức. Tuy nhiên, Tổng Thống Ravalomanana, hiện đang ở một dinh thự ở ngoài thủ đô, đã tuyên bố sẽ không từ bỏ chiếc ghế Tổng Thống. Từ văn phòng của Đài VOA ở Nam Phi, Thông tín viên Scott Bobb gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Cuộc đối đầu chính trị tại Madagascar vẫn tiếp diễn giữa lúc nhân vật tự xưng là Tổng Thống lâm thời của Madagascar, ông Andrey Rajoelina, nói với các ủng hộ viên của ông rằng ông đã hạ lệnh cho các lực lượng an ninh bắt giữ Tổng Thống Marc Ravalomanana để ông có thể lên nhận nhiệm sở.

Ông Rajoelina, 34 tuổi, là cựu thị trưởng của thủ đô Madagascar.

Hôm Chủ Nhật, ông Rajoelina kêu gọi những người ủng hộ ông hãy nhóm họp hôm thứ Hai tại một quảng trường nằm tại trung tâm Antananarivo. Ông Rajoelina cho biết ông sẽ đưa ra một loan báo quan trọng, một quyết định rất quan trọng.

Ông Rajoelina giải thích rằng lệnh bắt Tổng Thống Ravalomanana có nêu lý do là tội phản quốc. Hôm Thứ Bảy, ông Rajoelina cho Tổng Thống Madagascar 4 tiếng đồng hồ để từ chức.

Xuất hiện trước đám đông hàng ngàn ủng hộ viên hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Ravalomanana đã bác bỏ đòi hỏi của phe đối lập yêu cầu ông từ chức.

Ông Ravalomanana khẳng định ông sẽ nắm quyền cho tới khi nào nhiệm kỳ Tổng Thống của ông kết thúc. Tổng Thống tuyên bố tiến trình dân chủ vẫn là nền tảng.

Thay vào đó, Tổng Thống Ravalomanana đề nghị mở một cuộc trưng cầu dân ý nhưng đối thủ chính trị của ông lập tức gạt bỏ.

Nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Ravalomanana còn 2 năm nữa mới chấm dứt .

Hôm thứ Hai, Liên Hiệp Châu Phi đã mở một phiên họp khẩn cấp tại Ethiopia. Cựu Tổng Thống Senegal ông Abdou Diouf, đang giữ chức Tổng Thư Ký của Liên Hiệp các nước Pháp Thoại, đã phái một đặc sứ đến Madagascar để làm trung gian điều giải cho cuộc tranh chấp.

Liên Hiệp Quốc cũng đã điều đặc sứ đến, và đã bày tỏ quan tâm về cuộc khủng hoảng này.

Các chính phủ tây phương đã ra dấu hiệu cảnh báo rằng bất cứ hành động chiếm quyền nào được coi là vi hiến, cũng sẽ đưa đến quyết định cắt viện trợ.

Một số thành phần trong quân đội cho biết họ không còn nhận lệnh của Tổng Thống Ravalomanana nữa, bởi vì họ không muốn nổ súng bắn vào đồng bào của mình.

Một số thủ lãnh tôn giáo đã cố gắng đứng ra làm trung gian để mở các cuộc đàm phán giữa hai bên tranh chấp, tuy nhiên ông Rajoelina đã rút ra khỏi các cuộc đàm phán hồi tuần trước.

Cuộc đối đầu đã khởi sự từ nhiều tháng trước, khi chính phủ Madagascar đóng cửa một đài phát thanh do ông Rajoelina làm chủ, sau khi ông này tố cáo Tổng Thống Ravalomanana là tham nhũng và độc tài.

Hơn 100 người đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Madagascar, và cuộc khủng hoảng này cũng đã tác động tai hại đến ngành du lịch và đầu tư vào nước này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG