Đường dẫn truy cập

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đả kích chế độ cai trị của Trung Quốc


Trong những lời phê phán gay gắt nhất đối với Bắc Kinh từ trước tới nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quy trách cho chính phủ Trung Quốc về cái chết của hằng trăm ngàn người dân Tây Tạng của ngài trong suốt thời gian cai trị kéo dài 50 năm qua. Từ New Delhi Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật chi tiết về vấn đề này như sau.

Lên tiếng nhân dịp lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng năm 1959, dẫn đến quyết định của Ngài phải rời bỏ quê hương ra đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma mạnh mẽ đả kích chế độ cai trị của Trung Quốc trong suốt nửa thế kỷ qua.

Nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói rằng các chính sách cứng rắn của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra cái chết của hằng trăm ngàn người Tây Tạng, mà theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã cam chịu sống trong một ‘địa ngục trần gian.’

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức bác bỏ những lời chỉ trích gay gắt ấy. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không đáp lại điều họ gọi là những lời dối trá của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nói chuyện với các nhà báo sau khi đưa ra những lời phát biểu vừa kể trước một cử tọa gồm những người theo Phật Giáo Tây Tạng ở thành phố Dharamsala, Ấn Độ, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng bác bỏ lời tố cáo của Bắc Kinh cho rằng Ngài đang mưu tìm độc lập cho quê hương Tây Tạng.

Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Chúng tôi hoàn toàn theo đuổi giải pháp trung đạo, không đòi ly khai. Tôi có thể bảo đảm với quý vị 100% rằng chúng tôi cam kết đi theo đường lối đó.

Theo nguyên văn, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã ‘hoàn toàn không hay biết, hoặc cố tình nói dối’ khi tố cáo Ngài đang nuôi mộng về một nước Tây Tạng rộng lớn, bao gồm 1/4 lãnh thổ Trung Quốc và buộc tất cả những người không phải là dân Tây Tạng phải dời cư ra khỏi vùng lãnh thổ ấy.

Trước đó, trong một bài diễn văn bằng tiếng Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma tố cáo Trung Quốc đã gây ra những thống khổ và tàn phá không sao kể xiết tại quê hương của Ngài, kể từ khi Ngài bị buộc phải bỏ nước ra đi. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, nhân dân Tây Tạng phải chịu đựng các điều kiện mà ngài gọi là ‘địa ngục trần gian,’ dưới chế độ đàn áp của Trung Quốc trong suốt nửa thế kỷ qua.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo về nhận định vừa kể, Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu rõ sự khác biệt về cách mô tả trong Thánh Kinh và trong thuyết lý Phật Giáo về thế nào là địa ngục, và lý do vì sao ngài đã sử dụng cụm từ ‘địa ngục trần gian’ để nói về những trải nghiệm của người dân Tây Tạng sống dưới ách thống trị của Trung Quốc.

Vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng nói:”Có quá nhiều thống khổ, nhiều sợ hãi, nhiều uất hận, hận thù và lúc nào cũng lo sợ cho tính mạng của mình. Như ở địa ngục.”

Sau khi lắng nghe bài diễn văn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhiều người Tây Tạng đã tuần hành ôn hòa trên các đường phố Dharamsala.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Mã Triêu Húc nói rằng, những người tôn sùng Đức Đạt Lai Lạt Ma không rõ thế nào là phải. thế nào là trái , và họ đang truyền đi những lời đồn đại.

Nói chuyện với các nhà báo, ông Mã nói rằng những ‘cải cách dân chủ’ đã giải phóng nhân dân Tây Tạng khỏi thân phận nông nô và đem lại những tiến bộ về nhân quyền phục vụ lợi ích của chính họ, cũng như của nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố Tây Tạng là một phần bất khả phân của lãnh thổ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay. Trung Quốc đã cai trị vùng lãnh thổ này, nơi cư dân chủ yếu theo Phật Giáo Tây Tạng trong suốt gần 60 năm nay.

Trung Quốc coi Đức Đạt Lai Lạt Ma như một nhân vật chính trị, toan tính tách Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG