Đường dẫn truy cập

TQ, Ðài Loan thương lượng về hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện


Giới hữu trách Đài Bắc và Bắc Kinh đang thương lượng về một hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện, có thể trở thành một bước quan trọng dẫn tới chỗ thống nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc. Mặc dù chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu cho rằng hiệp định này thuần túy là một vấn đề kinh tế và là một diễn tiến cần thiết để ngăn chận đà suy thoái kinh tế, nhiều người thuộc phe đối lập ở Đài Loan e rằng nền tự do dân chủ của Đài Loan sẽ bị đe dọa. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Hôm thứ tư vừa qua cả chính phủ Trung Quốc lẫn chính phủ Đài Loan đều lên tiếng khẳng định rằng thương ước mà đôi bên dự trù ký kết với nhau là một vấn đề thuần túy kinh tế, không dính líu gì tới vấn đề chính trị, mặc dù một số nhà quan sát cho rằng đây là một diễn tiến quan trọng có thể dẫn tới chỗ Đài Loan tái thống nhất với Hoa Lục.

Tin tức từ Bắc Kinh trích lời bà Trương Lệ Thanh, phát ngôn viên Phòng Đài Loan của Quốc Vụ Viện Trung Quốc, nói rằng: Hiệp định Hợp tác Kinh tế Tổng hợp, gọi tắt là CECA theo tiếng Anh (Comprehensive Economic Cooperation Agreement), sẽ có lợi cho sự phát triển kinh tế của cả đôi bên, đặc biệt là sẽ giúp cho Đài Loan nâng cao khả năng cạnh tranh và nới rộng không gian phát triển của phần đất này.

Cũng trong ngày thứ tư, các giới chức phụ trách vấn đề Hoa Lục của chính phủ Đài Loan đã tỏ ý tán đồng lập trường của Trung Quốc. Ông Mã Thiệu Chương, Phó Tổng thư ký Quĩ Quan hệ Xuyên Eo biển Đài Loan, tuyên bố rằng đây là một vấn đề hoàn toàn thuộc về phạm vi kinh tế và việc ký kết hiệp ước mậu dịch tự do với Trung Quốc sẽ giúp cho Đài Loan tránh được tình trạng mất đi khả năng cạnh tranh sau khi Trung Quốc và Asean thiết lập thị trường chung vào năm 2010.

Các giới chức khác của chính phủ Đài Loan cũng lên tiếng bác bỏ tố cáo cho rằng hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc sẽ khiến cho Đài Loan mất đi quyền tự chủ về kinh tế và mang lại nhiều thiệt hại cho nền tự do dân chủ của phần đất này.

Bà Lại Hạnh Viễn, Chủ tịch Ủy ban Hoa Lục, đã phát biểu như sau: "Chính phủ theo đuổi một đường lối thận trọng và tuần tự, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan. Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng mà chính phủ áp dụng trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Hiệp định hợp tác kinh tế tổng hợp. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng hiệp định hợp tác này không phải là giấy bán thân mà cũng chẳng phải là một liều thuốc trị bá bệnh."

Bà Lại Hạnh Viễn cũng nói rằng: nhờ vào hiệp định với Trung Quốc, Đài Loan có thể dễ dàng hơn trong việc ký kết những hiệp định hợp tác song phương và đa phương với các nước khác trong tương lai.

Bà Lại nói: "Chúng tôi hy vọng có thể thông qua việc điều đình về những hiệp định như Hiệp định hợp tác kinh tế tổng hợp để phá vỡ sự bế tắc mà Đài Loan vẫn thường gặp phải trong việc tham gia các chương trình hợp tác đa phương và song phương."

Bà Lại Hạnh Viễn cho biết như thế trong lúc một số người ở Đài Loan, đặc biệt là những người thuộc phe đối lập, nói rằng việc ký kết thương ước với Trung Quốc là một vấn đề hệ trọng về mặt chính trị; vì lâu nay giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn nói rằng các mối liên hệ nhiều mặt với Đài Loan sẽ được phát triển tốt đẹp nếu đôi bên cùng khẳng định lập trường một nước Trung Hoa, theo đó, Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Ông Trịnh Văn Tiên, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến đã tố cáo chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu vi phạm các nguyên tắc dân chủ trong lúc tiến hành cuộc điều đình với chính quyền ở Bắc Kinh.

Ông Trịnh nói: "CECA là một vấn đề trọng đại, một vấn đề dính líu tới sự hợp nhất kinh tế giữa Đài Loan với Trung Quốc. Đối với một vấn đề trọng đại như vậy thì nước nào cũng phải thông qua sự giám sát của quốc hội, thậm chí phải tổ chức trưng cầu dân ý mới có thể xúc tiến. Nhưng trong quá trình này, chính phủ Mã Anh Cửu không hề mưu tìm sự đồng thuận của xã hội, không có phúc trình đánh giá rủi ro. Trong tình huống như vậy chúng ta không nên ký kết hiệp định CECA với Bắc Kinh."

Chủ tịch đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn mới đây cũng lên tiếng chỉ trích điều mà bà gọi là huyền thoại do Tổng thống Mã Anh Cửu dựng lên để tìm cách bán đứng Đài Loan cho Trung Quốc.

Bà Thái nói: "Chúng tôi sẽ đưa ra bản đánh giá về chính sách đối với Trung Quốc. Chúng tôi muốn thông qua việc phá vỡ huyền thoại của chính phủ Mã Anh Cửu là dựa vào Trung Quốc để cứu Đài Loan để nói rõ với mọi người rằng nếu mất đi quyền tự chủ về kinh tế thì đời sống của dân chúng sẽ khốn đốn hơn, sẽ khổ cực hơn."

Ông Hoàng Khôn Huy, Chủ tịch Đảng Liên minh Đài Loan Độc lập, cũng lên tiếng chỉ trích những hành động của ông Mã Anh Cửu.

Ông Hoàng nói: "Nếu chính phủ Mã Anh Cửu tiếp tục đi theo con đường sai lầm, không chịu từ bỏ một loạt những chính sách và tư duy sai lầm, đặc biệt là ký kết CECA, thì chúng tôi sẽ hô hào các đoàn thể và tổ chức của đảng Dân Tiến và của dân chúng cùng nhau đứng dậy và thông qua hành động thực tế để chỉ ra sự sai lầm của chính phủ Mã Anh Cửu, thậm chí sẽ phát động cuộc vận động để truất nhiệm tổng thống."

Đối với những lời chỉ trích của phe đối lập, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan, ông Doãn Khải Minh nói rằng chính phủ nhất định sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân Đài Loan trong lúc tiến hành cuộc thương lượng về hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc. Sau đây là vài lời của ông Doãn Khải Minh.

Ông Doãn nói: "Trung Quốc và Đài Loan đều là hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trong một khung sườn như vậy, chúng tôi sẽ giữ vững nguyên tắc công bằng, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người dân Đài Loan. Chúng tôi không muốn đưa vấn đề ý thức hệ vào các cuộc thương nghị về hiệp định hợp tác kinh tế."

Trong khi đó, một số người chỉ trích nói rằng ký kết hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc sẽ làm tổn hại cho chủ quyền của Đài Loan vì chính phủ ở Bắc Kinh không bao giờ chịu xem chính phủ ở Đài bắc là một đối tác ngang hàng. Về vấn đề này, ông Trương Hiển Diệu, một nhà lập pháp thuộc Quốc Dân Đảng, cho biết rằng nếu được ký kết, hiệp định CECA sẽ được tiến hành trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới – là nơi mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều là hội viên và có quyền hạn ngang nhau.

Ông Trương nói thêm: "Các nước ven bờ Đông Á Thái bình dương đang tiến hành công cuộc hợp nhất kinh tế thương mại. Giờ đây Nhật bản, Nam Triều Tiên và 10 nước ASEAN sẽ lần lượt thực hiện tự do hoá mậu dịch, thậm chí còn thiết lập khu mậu dịch tự do. Đài Loan không thể bị gạt ra bên là hoặc tự mình đứng ngoài khu mậu dịch tự do Đông Á Thái bình dương này."

Cuộc tranh cãi ở Đài Loan diễn ra trong lúc nền kinh tế của đảo quốc lệ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu này tiếp tục gánh chịu những tác động nặng nề của vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong hai tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của Đài Loan đã giảm hơn 40% so với cùng thời gian này năm ngoái. Các số liệu của Cục Thống Kê Đài Loan cho thấy GDP của nước này trong quí tư năm 2008 đã bị sút giảm với tỉ lệ cao kỷ lục là 8,5%. Giới hữu trách ở đây dự báo rằng trong cả năm 2009, GDP của Đài Loan sẽ bị co cụm với tỉ lệ 3%.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG