Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo ASEAN kêu gọi nhanh chóng thực hiện hợp nhất kinh tế khu vực


Các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp ASEAN kêu gọi nhanh chóng thực hiện hợp nhất kinh tế khu vực để giảm bớt tác động của vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lời kêu gọi này được đưa ra trong lúc các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước hội viên tụ tập ở Thái Lan để tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm. Từ Bangkok, thông tín viên Heda Bayron của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Vì lượng xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á bị sút giảm mạnh, các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp trong vùng này đang tìm cách gia tăng công cuộc mậu dịch giữa các nước trong khu vực để bù vào số cầu hạ giảm ở các thị trường Tây phương.

Công cuộc mậu dịch giữa 10 nước ASEAN đã gia tăng đáng kể trong những năm qua, nhưng các nhà lãnh đạo nói rằng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển thêm. Hiện giờ, kim ngạch mậu dịch bên trong ASEAN chỉ chiếm khoảng 25% số lượng mậu dịch của khối này; và các giới chức ASEAN nói rằng tỉ lệ này có thể tăng lên tới 35% hoặc 40% trong vòng 6 năm tới đây.

Phát biểu tại hội nghị thương mại và đầu tư ASEAN ở Bangkok ngày hôm nay, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva của Thái Lan nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh trong tuần này nên ra sức thúc đẩy cho việc xây dựng một thị trường chung trước năm 2015.

Ông Abhisit nói: "Chúng ta đã thấy được sự gia tăng rất lớn của số lượng mậu dịch và đầu tư bên trong ASEAN. Nhưng có một sự thật là chúng ta vẫn chưa làm đủ và chúng ta phải làm nhiều hơn nữa."

ASEAN có một thị trường gộp chung gồm hơn 500 triệu người. Trong vài năm qua, ASEAN đã ra sức phát triển công cuộc xuất khẩu hàng hóa của mình ở Á Châu bằng cách ký kết những hiệp định mậu dịch tự do với Nhật bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên, là một thị trường gồm khoảng 2 tỉ người.

Khu vực mậu dịch này sẽ được nới rộng thêm nữa để bao gồm Australia và New Zealand, là hai nước sẽ ký kết hiệp định mậu dịch tự do với ASEAN trong ngày hôm nay. Và theo dự liệu, Ấn Ðộ cũng sẽ làm như vậy vào tháng tư tới đây.

Ông Narongchai Akrasanee, cựu Bộ trưởng thương mại Thái Lan, đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Thái Lan. Ông cho biết rằng vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ giúp cho tiến trình hợp nhất kinh tế của ASEAN diễn ra nhanh chóng hơn.

Ông Narongchai nói: "Các nước Á Châu chúng tôi có một số lượng dự trữ ngoại hối rất lớn, ước chừng 4 ngàn tỉ đô la và chúng tôi đã bàn tới việc sử dụng khoản dự trữ này cho công cuộc đầu tư của mình, cho việc hỗ trợ các dự án đầu tư trên lãnh thổ của mình. Tình hình hiện nay sẽ buộc chúng tôi thực hiện điều này."

Hồi đầu tuần này, ASEAN, Trung Quốc, Nhật bản và Nam Triều Tiên đã đồng ý gia tăng một ngân quĩ khu vực nhằm giúp đỡ cho các chính phủ Á Châu đang gặp khó khăn trong việc thanh toán bằng tiền mặt.

Ông Arin, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Thương mại ASEAN, cho biết rằng mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng một số doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực này xem vụ khủng hoảng hiện nay như một cơ hội để Á Châu nắm giữ vai trò lãnh đạo trong nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới.

Ông Arin nói: "Chúng tôi sẽ không còn phải theo đuôi các nền kinh tế tiên tiến khác. Chúng tôi sẽ dẫn đầu thế giới thoát ra khỏi vụ khủng hoảng này và tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được việc này vì giờ đây chúng tôi không còn dễ bị tổn thương như trước."

ASEAN được thành lập năm 1967 để thăng tiến sự hợp tác chính trị và kinh tế. Hội nghị thường niên của khối này sẽ khai mạc vào ngày mai tại thành phố du lịch Cha-am của Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 200 kilomét về hướng nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG