Đường dẫn truy cập

Nhiều nhà làm luật kêu gọi điều tra các vụ lạm quyền dưới thời TT Bush


Ông Patrick Leahy, vị Thượng nghị sĩ thế lực thuộc Đảng dân chủ đã đề nghị thành lập một Ủy ban độc lập gọi là 'Ủy ban tìm hiểu sự thực' nhằm điều tra những vụ bị cho là lạm dụng quyền lực dưới Chính quyền Tổng thống Bush. Tổng thống Barack Obama đã phản ứng một cách dè dặt với đề xuất này, ông nói ông quan tâm về việc nhìn về phía trước chứ không muốn nhìn lại đằng sau. Thông tín viên đài VOA Cindy Sane nhận định về cuộc tranh cãi liên quan đến quá khứ gần đây của Hoa Kỳ trong bài tường trình sau đây.

Nhiều nhà làm luật thuộc Đảng dân chủ đã đứng về phía một số tổ chức nhân quyền kêu gọi mở một cuộc điều tra về những chính sách chống khủng bố của chính quyền ông Bush. Các chính sách gây tranh cãi gồm một số kỹ thuật tra vấn được sử dụng tại các trại tạm giam của Mỹ tại Guantanamo, Iraq và Afghanistan, và việc nghe lén trái phép điện thoại của công dân Hoa Kỳ.

Ngỏ lời tại trường đại học Georgetown hồi đầu tháng, ông Patrick Leahy Chủ tịch Ủy ban Tư pháp nói, và đây là nguyên văn lời ông 'một sự tách rời nguy hiểm khỏi việc áp dụng luật pháp' trong thời cựu Tổng thống Bush, và rằng Quốc hội cần phải đảm bảo việc Hoa Kỳ trở lại đúng đường.

Ông Leahy nói: “Một con đường để đi đến mục tiêu đó sẽ là một tiến trình hòa giải, một ủy ban tìm hiểu sự thật. Chúng ta có thể triển khai và cho phép một người hay một nhóm người được toàn thể công nhận là có tinh thần công bằng, không có ý đồ riêng tư hay chính trị. Sứ mạng trung thực của họ sẽ là tìm ra sự thực. Người dân sẽ được khuyến khích công khai chia sẻ hiểu biết và những kinh nghiệm của họ, không phải vì mục đích thu gom hồ sơ truy tố tội phạm, mà là thu gom các sự kiện.”

Ông Leahy nói ông hình dung ra tiến trình vừa nói phỏng theo ủy ban tìm hiểu sự thực ở Nam Phi, là nhóm có nhiệm vụ điều tra về thời kỳ apathai, và đề nghị miễn trừ truy tố cho những người chịu hợp tác.

Ông Leahy: “Không phải vấn đề phục thù, mà là chúng ta cần việc theo đuổi công bằng về điều gì đã thực sự xảy ra. Và đôi khi cách tốt nhất để tiến tới là tìm ra sự thực, tìm hiểu điều gì đã xảy ra, và chúng ta làm như vậy để đảm bảo nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Ông Leahy cũng xác định rõ là những nhà làm luật của Đảng dân chủ từng hậu thuẫn những đường lối có vấn đề của Chính quyền ông Bush cũng phải bị điều tra, và điều đó có thể giải thích vì sao không có nhiều nhà làm luật Đảng dân chủ hậu thuẫn việc thành lập hội đồng này.

Một biệt lệ đáng chú ý là việc ông John Conyers Chủ tịch Uûy ban Tư pháp Hạ viện kêu gọi thành lập một Hội đồng Quốc gia về Quyền lực của Tổng thống trong thời chiến và các quyền tự do Dân quyền, với quyền đưa ra trát đòi, rất giống với Uûy ban đặc biệt 11 tháng 9.

Bà Elizabeth Goitien thuộc Trung tâm Công lý Brennan, một viện chính sách công cộng, đồng ý là một loại Hội đồng về Sự thật có thể giúp nâng cao uy tín của Hoa Kỳ.

Bà Goitien nói: “Bây giờ để có thể làm được điều đó, hội đồng phải được thành lập cho đúng nghĩa của nó, tôi muốn nói nó phải có khí cụ và quyền lực thật sự. Hội đồng phải có quyền đưa ra trát đòi, phải được chính phủ cộng tác và sẽ phải có sức mạnh pháp luật đứng sau để đảm bảo hội đồng có được sự cộng tác. Và nó phải toàn vẹn và vững vàng. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu một hội đồng được lập ra đúng cách và làm việc tốt, thì tôi đồng ý là nó có thể chứng minh cho thế giới biết là chúng ta đặt nặng vấn đề trách nhiệm.”

Phần lớn các nhà làm luật Đảng Cộng hòa chống đối việc điều tra chính quyền Bush, họ cho rằng một sự dò xét như vậy có thể gây phương hại cho những nỗ lực chống khủng bố.

Thượng nghị sĩ Arlen Specter của Đảng Cộng hòa có chủ trương trung dung bác bỏ ý kiến thành lập các ủy ban tìm hiểu sự thực và cho rằng nếu chính quyền nào cũng điều tra chính quyền trước làm cái gì, thì điều đó sẽ việc đó sẽ kéo dài không bao giờ dứt.

Tổng thống Obama chưa ủng hộ thành lập ủy ban tìm hiểu sự thực. Trong một cuộc họp báo được truyền hình khắp nước hồi đầu tháng, khi được hỏi về đề xuất của ông Leahy, Tổng thống đã trả lời là ông sẽ duyệt xét lại việc đó.

Ông Obama nói: “Không ai có thể vượt lên trên pháp luật, và nếu có chứng cớ rõ ràng về người nào làm sai, người đó cũng sẽ bị truy tố như bất kỳ thường dân nào. Nhưng, nói chung tôi quan tâm đến việc nhìn về phía trước hơn là nhìn lại đằng sau.”

Có thể là ông Obama e ngại là một cuộc điều tra có thể châm ngòi cho những mối chia rẽ đảng phái mà ông từng nói ông muốn tránh. Thêm nữa, Tổng thống có vẻ cũng cần hậu thuẫn của Đảng Cộng hòa để đương đầu với cơn khủng hoảng kinh tế và những thách đố khác như những vấn đề chăm sóc sức khỏe và chính sách ngoại giao.

Nhưng một cuộc thăm dò của viện Gallup Hoa Kỳ tháng này cho thấy là 62% người Mỹ cổ võ cả 2 loại, hoặc một cuộc điều tra tội phạm, hoặc một ủy ban độc lập điều tra về những cáo giác liên quan đến việc tra tấn hoặc những loại lạm dụng quyền lực khác dưới thời Tổng thống Bush.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG