Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi châu Á đầu tư vào công nghệ 'xanh'


Một giới chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc ở Châu Á cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính đang tác động đến các nền kinh tế trong khu vực lại là một cơ hội để thúc đẩy đầu tư vào các kỹ thuật “xanh” có ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ghi nhận của thông tín viên Ron Corben của đài VOA ở Bangkok, các nhận định của Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Noeleen Heyzer - người đứng đầu ủy ban kinh xã khu vực của Liên Hiệp Quốc - được đưa ra giữa những mối lo ngại rằng Châu Á đang thất bại trong việc đóng một vai trò nổi bật hơn trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu và sẽ phải nhận lãnh hậu quả do các nước giàu có hơn ở phương tây định đoạt.

Thư ký điều hành của ủy ban kinh tế Liên Hiệp Quốc đặc trách Châu Á Thái Bình Dương, bà Noeleen Heyzer nói rằng đầu tư vào các kỹ thuật mới có liên quan đến sự biến đổi khí hậu trong vùng Châu Á Thái Bình Dương cần phải được tăng cường, bất chấp tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, bà Heyzer nói rằng vấn đề biến đổi khí hậu cần phải được giải quyết, trước các hậu quả của tác động biến đổi khí hậu đối với các nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau cuộc suy thoái toàn cầu.

Bà Heyzer nói:“Sự biến đổi khí hậu thực sự đang gây ra những tác động. Chúng ta vốn đã trải qua tác động đó, qua các khuôn thức thời tiết gay gắt hơn, qua những cơn bão lốc, qua những cơn nóng cực kỳ ở nhiều khu vực, qua nạn khô hạn, và lụt lội. Thực vậy, tất cả những hiện tượng này sẽ tác động đến nền kinh tế của chúng ta. Vì thế ta không thể nào tách rời lịch trình biến đổi khí hậu ra khỏi lịch trình tăng trưởng kinh tế và bền vững.”

Các báo cáo mới đây đã làm tăng những mối lo ngại rằng sự biến đổi khí hậu đang đe dọa hay có thể làm đảo ngược nhiều thập niên tiến bộ kinh tế xã hội ở khắp đông nam Châu Á.

Chương trình Kinh tế và Môi trường Đông nam Châu Á có trụ sở ở Singapore nói rằng Philippin, Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Lào, Sumatra và Indonesia là tất cả các nước có nguy cơ bị tác động của những sự biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Bà Heyzer nói rằng trong khi thiết lập các kế hoạch kích thích kinh tế để phục hoạt các nền kinh tế thì các nước cũng cần phải tạo dựng điều bà gọi là ‘các nền kinh tế của tương lai.’ Bà Heyzer cho rằng Châu Á và Thái Bình Dương cần phải thúc đẩy thêm đầu tư trong khu vực tư nhân về các kỹ thuật có liên quan đến sự biến đổi khí hậu.

Bà Heyzer giải thích: “Chúng ta cần phải nâng cấp đầu tư và tài trợ. Đầu tư cần có sự tài trợ mới mẻ để tiến tới. Sẽ cần đến sự can dự của nhà nước, để có thể cung cấp khung sườn chính sách giúp cho sự chuyển nhượng các kỹ thuật này và mở cửa các thị trường mới, có liên quan đến việc trao đổi khí carbon.”

Theo bà Heyzer, phải coi cuộc khủng hoảng như một cơ hội thúc đẩy các nền kinh tế mà sự tăng trưởng có tính vững bền hơn về mặt dài hạn.

Bà Heyzer nhận định: “Mọi cuộc khủng hoảng đều đem lại một cơ hội. Đây là lúc nghĩ lại các nền tảng của sách lược kinh tế mà chúng ta đã xây dựng và chuyển nó qua một nền kinh tế trong tương lai mang tính bền vững hơn và có thể phát sinh ra sự tăng trưởng nhưng đồng thời cũng tôn trọng những ân sủng mà trái đất đã dành cho chúng ta về mặt các tài nguyên sinh thái mà chúng ta có, từ nước cho đến khí hậu. Tất cả đều là của cải của địa cầu.”

Lời kêu gọi được đưa ra giữa lúc sức ép ngày càng tăng lên Châu Á đòi phải có chiếm một chỗ nổi bật hơn trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu theo Công ước Kyoto. Một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu dự trù sẽ được thảo luận tại Copenhagen vào tháng chạp năm nay.

Các chuyên gia phân tích nói rằng Châu Á cần phải bảo đảm rằng kết quả của các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu có cơ sở càng rộng lớn càng tốt, thay vì được định đoạt bởi các chủ trương của những nước giầu có hơn.

Nhật Bản, Ấn Độ và Trung quốc được coi là nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu thế giới về việc thải các loại khí có hiệu ứng nhà kính, với Trung quốc vượt qua cả Hoa Kỳ trong tư cách là nước sản sinh nhiều khí carbonic nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG