Đường dẫn truy cập

Tết VN có bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu?


Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu sụt giảm, thất nghiệp gia tăng, lúa gạo được mùa nhưng mất giá. Tất cả điều đó ảnh hưởng như thế nào đến mức chi tiêu của người dân trong dịp Tết Kỷ Sửu? Hà Vũ của Ban Việt Ngữ VOA tập hợp các tin tức và có bài tường trình như sau.

Trong năm 2008 vừa qua, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nổi cộm lên hai vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Thứ nhất là việc cá tra, cá basa vừa mất giá vừa không có người mua khiến những hộ nuôi cá tra điêu đứng. Sự kiện này bắt nguồn từ các biện pháp kiểm soát tiền tệ của chính phủ để tránh lạm pháp khiến các Ngân hàng không có đủ tiền để các doanh nghiệp và bà con vay để kinh doanh sản xuất. Nhà nước phải bơm hàng ngàn tỉ đồng để cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu có tiền thu mua cá tra cho bà con.

Tuy nhiên lãi suất ngân hàng quá cao, có lúc lên đến trên 19% một năm khiến các doanh nghiệp thấy không có lời khi vay tiền với lãi suất này để kinh doanh, sản xuất. Đối với những người nuôi cá tra thì với mức thu mua cá tra dưới giá thành sản suất, nhiều hộ nông dân không còn cách nào khác là phải bán đổ bán tháo cá tra và treo hầm sản xuất.

Người nông dân trồng lúa cũng gặp khó khăn vì lúa không bán được do quyết định tạm thời ngừng xuất khẩu gạo của chính phủ đúng vào lúc giá lúa gạo lên mức cao nhất trên thị trường thế giới. Có lúc lên đến 1200 đô la một tấn. Ngoài ra việc nông dân đổ xô trồng giống lúa IR 50404 kém chất lượng nhưng năng xuất cao cũng làm cho loại gạo này không tiêu thụ được.

Trước những khó khăn dồn dập như vậy, năm nay bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ăn Tết ra sao? Một cư dân Cù Lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, nơi có nhiều hộ nuôi cá tra cho biết:

“Bình thường ví dụ như mọi năm mua sắm tối đa 100,000 thì năm nay mua sắm chỉ cở 40,000 thôi tại vì cá tra nếu mà nó bị suy sụp thì người công nhân có người làm thuê làm mướn ví dụ như gánh vác, gánh cá cái này cái kia thì nó sẽ bị ảnh hưởng, trong nhà có thằng em đi gánh nay bốn, năm tháng cũng chưa lãnh tiền mà mấy ngày nữa sắp tới Tết rồi. Thậm chí người ta bán lỗ người ta có tiền trả đâu, người ta cứ hứa, hứa. Tết tới nơi rồi. Bị tình trạng chung hết chứ không phải riêng một người mà cái cồn này thì hầu như mười nhà khá giả thì 8 nhà nuôi rồi. Theo tình trạng như bây giờ thì mới có hai nhà thả thôi. Người ta đi chợ bây giờ rất là đắn đo ví dụ như bình thường kêu giá 10,000 thì người ta có thể trả 9 ngàn nhưng bây giờ kêu giá 10,000 người ta trả 6,000 thôi. Giá cả cũng không có lên gì hơn nhưng đi chợ người dân mua rất khó khăn, đắn đo lắm người ta mới mua chứ không dễ dãi như mọi năm. Năm nay thấy không có không khí gì cả. Nó giảm rất là nhiều ví dụ như bên đây chủ yếu là cá và người ta có những vườn mận, bên kia là vườn quít nhưng bên đây sông những vườn mận bán cũng không có giá. Người dân đi mua bán ra không có lời gì đâu người ta đâu có tiền chi tiêu. Năm nay không khả quan như mọi năm.”

Một người dân cư ngụ tại xã Trường Thạnh huyện Cờ Đỏ thành phố Cần Thơ có chồng lái xe ôm cũng nói lên tình hình khó khăn về kinh tế ảnh hưởng đến việc mua sắm Tết năm nay của bà con:

“Tiền bạc eo hẹp, mần không có tiền nhiều, ăn không bằng mọi năm. Chạy ngày nào sống ngày nấy, giờ chạy cũng ế. Tệ hơn năm rồi. Đâu có tiền bạc gì mà ăn nhiều. Lúa thì xạ hè đang trổ. Làm ruộng nhiều thì lỗ nhiều. Làm ít thì lỗ ít. Ai cũng than lỗ vì lúa bán rẻ quá. Bán được thì lỗ, tiền phân tiền, không đủ trả cho người ta còn thiếu nữa. Không bão lụt nhưng thất nghiệp, tiền bạc không ổn định. Vật giá lên quá trời lên. Nông dân thì nhờ ruộng nhưng lúa không có lên thành ra cũng khổ. Năm nay dưa hấu mất mùa, mắc quá giờ thì thấy người ta đi chợ người ta mua quít với bưởi người ta chưng thôi. Dưa hấu thì 1 trái 5, 6 chục là rẻ. Mọi năm mình mua 10 ngàn cũng có, hai chục cũng có mắc lắm là 50 chục ngàn 1 cặp, bự thiệt bự là một trăm một cặp. Năm nay mắc quá trời mua không nổi, ai cũng than không có tiền.”

Tại thành phố Hồ Chí Minh, mấy ngày gần đây, tuy giá cả các mặt hàng đều tăng nhưng các siêu thị vẫn đông nghẹt người mua. Một cư dân ở quận 7 cho biết:

“Bà con ta cũng có mua sắm, tương đối cũng đông cũng vui so với ngày thường thôi nhưng so với những ngày Tết năm trước thì thật sự không bằng.”

Tại vùng duyên hải miền Trung, thành phố biển Nha Trang nơi mà ngành du lịch phát triển mạnh trong những năm gần đây và là nơi hội tụ của hoa hậu các nước trong cuộc thi hoa hậu Hoàn vũ tháng 7 năm 2008. Một người dân tại Nha Trang cho biết về hình hình sắm Tết của bà con tại đây.

“Kiểu như người ta không có tiền bao nhiêu, năm nay có vẻ như ấy lắm. Tại vì bị thiên tai. Gần Tết mà ở đây còn bị mưa gió, lũ lụt tùm lum. Cũng thấy mua bán đầy đủ nhưng người bán thì nhiều, người mua thì ít. Năm nay hoa cũng mắc, hoa cũng không có. Đi ngang mấy cành mai hoa không có chỉ có cành không, Vì thời tiết mà. Năm nay thời tiết Việt Nam cũng thay đổi. Giá cả cũng lên nghe nói xăng hạ thì vật giá cũng hạ nhưng vì lương cán bộ công nhân nhà nước tăng nên vật giá cũng tăng theo. Gạo hôm trước tăng bây giờ bình ổn trở lại rồi. Hồi đó, mười mấy hai chục ngàn một ký bửa nay hạ còn chín nghìn mười nghìn, gạo ngon còn 16,000 một ký. Năm trước cán bộ công nhân lãnh thưởng nhiều năm nay cũng bị giảm. Nhà nước chủ yếu cấp gạo dân khỏi bị đói trong dịp Tết. Phường em mấy bửa nay phát gạo cho dân nghèo 5 ký, 10 ký phát gạo cho các hộ để cho họ có gạo ăn Tết. Chợ bày bán cũng ít, sơ sài chớ không tưng bừng như những năm trước. Bày thì bán ra đó chứ ít người mua, người ta có tiền đâu mà người ta mua. Người đi xem thì nhiều chớ người mua thì ít.”

Lên cao nguyên Trung phần, tại tỉnh Dak Lak, cái nôi của ngành cà phê Việt Nam, tình hình giá cả cà phê sụt giảm trong năm qua cũng làm nông dân gặp nhiều khó khăn. Bà con thiếu vốn không thể giữ hàng lại để chờ giá nên đành phải bán để có tiền tiêu xài trong gia đình cũng như mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc cho cây cà phê.

Một nông dân tâm sự về việc chi tiêu để vui Tết Kỷ Sửu:

“Cà phê năm nay có nhiều vùng mất nhưng nhiều vùng cũng phát đạt. Nói chung năm nay sức mua của người ta cũng dè dặt lắm. Mặt hàng ở chợ rất đầy đủ, giá cả cũng hợp lý, không có gì biến động lắm.”

Tình hình mua bán sắm Tết tại thành phố Huế năm nay ở mức bình thường như lời phát biểu sau đây của một cư dân cư ngụ tại thành phố này:

“Kinh tế cũng thua năm ngoái không phải giống như mấy năm trước. Vật giá vẫn bình thường vì xăng rẻ nên vật giá không tăng mấy. Ở Huế thì nó vẫn bình bình chứ không nhộn nhịp như những thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn.

Cũng như mọi tỉnh thành khác tại miền Nam và miền Trung, tại thủ đô Hà Nội, việc mua bán nhân dịp Tết Kỷ Sửu sắp đến cũng không mấy khởi sắc.

Một người dân cư ngụ tại quận Ba Đình cho biết:

“Tết năm nay vẫn bình thường nhưng không vui bằng mọi năm đâu. Giá cả lên kể như lên đến 20%, 30%. Những người bán người ta kêu là ế hơn năm ngoái nhiều. Nói chung là cũng hạn chế nhiều chứ.”

Mặc dù chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát, kiểm soát suy thoái nhưng năm 2008 là một năm khó khăn đối với người dân Việt Nam. Người dân hy vọng trong năm mới Kỷ Sửu, nền kinh tế thế giới sẽ sáng sủa hơn trước và những gói kích cầu kinh tế vừa được chính phủ Việt Nam ban hành sẽ có hiệu lực giúp người dân nhất là bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có một đờ sống khá hơn trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG