Đường dẫn truy cập

Việt Nam siết chặt kiểm soát đối với các blogger


Theo tinh thần một bản Thông Tư Hướng Dẫn mới, đòi hỏi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải cung cấp mọi thông tin liên quan tới người sử dụng, Việt Nam đã siết chặt thêm quyền kiểm soát đối với những chủ thể của các trang blog, thường được gọi là blogger, để ngăn cấm những quan điểm bị coi là chống đối nhà nước hoặc gây phương hại tới an ninh quốc gia.

Tin của AFP cho hay internet lâu nay vẫn cung cấp cho người Việt một diễn đàn để bày tỏ những quan điểm không thể tìm thấy trên các phương tiện truyền thông truyền thống bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Internet đã tạo ra một bầu không khí trang blog ngày càng trăm hoa đua nở, thế nhưng hồi đầu tháng, chính phủ cho biết là muốn có những luật lệ chặt chẽ hơn để kiểm soát những trang blog này.

Bản Thông Tư Hướng Dẫn mới xác định rõ là những trang blog chỉ được trình bày những nội dung có tính cách riêng tư và không bao giờ được cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các qui định của một nghị định được đưa ra hồi đầu năm nay.

Nghị định này cấm chỉ đưa lên các trang điện tử những thông tin chống đối nhà nước, gây phương hại tới an ninh quốc gia và trật tự xã hội, tạo ra những vụ đối đầu, hoặc tiết lộ những bí mật liên quan tới an ninh quốc gia, quân đội hoặc kinh tế.

Trong số ấn hành trước đây trong tháng này, nhật báo Thanh Niên cho biết giới hữu trách sẽ tiếp xúc với hai công ty Internet khổng lồ là Yahoo và Google để xin cộng tác trong việc tạo một mội trường lành mạnh và tốt đẹp hơn cho các bloggers.

Bản Thông Tư Hướng Dẫn mới yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến thiết lập hồ sơ dữ kiện liên quan tới những trang blog dưới sự giám sát của họ và cung cấp những thông tin này cho nhà chức trách khi được yêu cầu, cũng như để loại bỏ những nội dung vi phạm luật lệ.

Thông Tấn Xã Reuters cho hay Bản Thông Tư này không nói rõ những gì sẽ xảy ra đối với những trang blog được đăng tải trên mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ngoài, như mạng Yahoo360 đang được nhiều người sử dụng.

Hội Nhà Báo Không Biên Giới chuyên theo dõi các hoạt động truyền thông, trụ sở đặt tại Paris, liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước kẻ thù của internet vì đã có những hành động kiểm duyệt chặt chẽ tương tự như hành động của nước đàn anh Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo AFP, dù phải đương đầu với những hành động kiểm duyệt như vậy, những lời chỉ trách nhà chức trách đã xuất hiện nhiều trên các trang điện tử trong năm qua, trong đó đáng kể nhất là những lời chỉ trích chính phủ về cách giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong biển Đông.

Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng nhận có chủ quyền với các dãy đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cuộc tranh chấp này đã tạo ra những vụ biểu tình hiếm thấy tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh một năm trước đây. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm về mặt chính trị, gây cản trở cho việc phát triển quan hệ thêm nữa giữa hai nước đồng minh cùng theo chủ nghĩa cộng sản và hiếm khi được báo chí tại Việt Nam đề cập tới, hoặc nếu có thì cũng chỉ bàn tới một cách ngắn gọn và đầy thận trọng.

Các tòa án tại Việt Nam đã bỏ tù một số người bày tỏ thái độ bất đồng chính kiến trên internet và hồi đầu tháng đã giữ nguyên bản án hai năm rưỡi tù dành cho một blogger được nhiều người biết tiếng.

Blogger Điếu Cày, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, đã bị buộc tội trốn thuế, dù Hội Nhà Báo Không Biên Giới cho rằng thật ra ông này bị trừng phạt chỉ vì đã chỉ trích chính sách của Bắc Kinh trong vùng Biển Đông. Thông Tấn Xã DPA của Đức cho biết bản Thông Tư Hướng Dẫn mới này không nói rõ về việc trừng phạt những vụ vi phạm.

Cũng theo DPA, một vài người tỏ vẻ nghi ngờ về tác dụng của Bản Thông Tư Hướng Dẫn mới. Ông Lê Bạch Dương, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội ở Hà Nội, nói rằng theo ông nghĩ, chính phủ không nên dùng các biện pháp kỹ thuật và hành chính để kiểm soát các trang blog, vì những biện pháp này khó mang lại hiệu quả.

Ngay trong ngày thứ Tư, một trang blog trên mạng Yahoo360 viết rằng chính phủ khó mà thi hành được những điều đề ra trong bản Thông Tư Hướng Dẫn.

Tin của Reuters cho hay hiện có khoảng 21 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam. Năm ngoái, số người dùng internet tại Việt Nam là 17 triệu 700 ngàn người, và năm 2006 chỉ có 14 triệu 700 ngàn người.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG