Đường dẫn truy cập

TQ tìm cách xoa dịu sự bất mãn của Ấn Ðộ về vấn đề hạt nhân


Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đang có mặt tại Ấn Độ để tìm cách xoa dịu sự bất mãn của cường quốc hạt nhân láng giềng này. Các giới chức Ấn Độ tỏ ra thất vọng về việc Trung Quốc dự tính hủy bỏ một hiệp định quốc tế có tính cách lịch sử, chấm dứt lệnh cấm vận hạt nhân đã áp dụng 34 năm đối với Ấn Độ. Từ New Delhi, thông tín viên Steve Herman của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các cơ quan truyền thông Ấn Độ đang bầy tỏ cảm nghĩ rằng Bắc Kinh phản bội New Delhi. Nhận định chung là mặc dù chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc đã bảo đảm rằng Bắc Kinh sẽ ủng hộ việc bãi bỏ lệnh cấm vận quốc tế mua bán hạt nhân với Ấn Độ, Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản thỏa thuận hôm thứ bảy của Nhóm Các nước Cung ứng Hạt nhân gồm 45 quốc gia.

Vây quanh bởi các phóng viên tại Kolkata vào lễ khánh thành lãnh sự quán ở đó, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã né tránh bình luận trực tiếp về vấn đề này. Thay vì thế, ông ca ngợi sự thành đạt của Ấn Độ đồng thời với sự thành đạt của nước ông, và nói rằng hai nước lớn của Châu Á nên chung lưng đấu cật phục vụ cho hòa bình trong khu vực.

Ông Dương Khiết Trì nói: “Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu tốt cho tình hữu nghị và hợp tác của chúng ta trong tương lai.”

Sau đó, ông Dương Khiết Trì đã lên đường đi New Delhi để hội kiến thủ tướng Manmohan Singh và ngoại trưởng Pranab Mukherjee của Ấn Độ.Trước khi diễn ra các cuộc hội đàm với đối tác Trung Quốc Mukherjee ca ngợi thỏa thuận lịch sử cho phép Ấn Độ được mua bán hạt nhân không hạn chế.

Ấn Độ đã bị đưa vào sổ đen từ nhiều thập kỷ sau khi thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và không chịu ký vào các hiệp định quốc tế về nguyên tử hạn chế phổ biến hạt nhân.

Thỏa thuận tại Vienna cho phép mua bán hạt nhân với Ấn Độ mặc dù New Delhi chưa ký các hiệp định vừa kể. Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc vận động quốc tế chấm dứt sự cô lập của Ấn Độ trong khuôn khổ một hiệp ước ký kết năm 2005 giữa thủ tướng Singh và tổng thống George W. Bush của Hoa Kỳ. Ấn Độ nay đang chờ Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hiệp ước đó.

Phát biểu với các phóng viên tại New Delhi ngày hôm nay, ngoại trưởng Mukherjee nói rằng sự chấp thuận của Mỹ sẽ mở khu vực hạt nhân dân dụng trị giá nhiều tỷ đôla của Ấn Độ cho các thực thể nước ngoài.

Ông Mukherjee nói: “Sau đó thì chúng tôi có thể tiến vào các hiệp định song phương với những nước khác.”

Có các kế hoạch mua 6 lò phản ứng hạt nhân của Pháp và 4 lò phản ứng hạt nhân của Nga. Nhưng trong một trở ngại cho các tham vọng hạt nhân của Ấn Độ, các giới chức của Australia cho biết họ sẽ không bán uranium cho Ấn Độ mặc dù chính phủ tại Canberra đã biểu quyết cùng với các thành viên khác trong Nhóm các nước Cung ứng Hạt nhân chấm dứt lệnh cấm vận mậu dịch đối với Ấn Độ.

Phía Australia nói rằng lập trường của họ sẽ không thay đổi trừ phi Ấn Độ ký hiệp ước quốc tế cấm phổ biến hạt nhân.Chủ đề này chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận khi ngoại trưởng Úc Stephen Smith gặp các giới chức Ấn Độ ở New Delhi trong tuần này.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG