Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hợp tác chống khủng bố với Pakistan


Những bất đồng ý kiến trong liên minh các đảng đương quyền ở Pakistan và tình hình bạo động leo thang khiến cho nhiều người lo âu về sự ổn định của quốc gia Nam Á này. Trong khi đó, Tổng thống Hoa kỳ George W Bush và Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani mới đây đã cam kết tiếp tục hợp tác chống khủng bố. Từ Washington, thông tín viên đài VOA Deborah Block có bài tường thuật về những vấn đề mà Pakistan đang phải đối phó.

Hôm nay, Ủy ban bầu cử Pakistan loan báo rằng: vào ngày mồng 6 tháng 9 tới đây, quốc hội và các nghị viện tỉnh sẽ bỏ phiếu để quyết định ai là người lên thay cựu Tổng thống Pervez Musharraf.

Loan báo này được đưa ra trong lúc liên minh đương quyền tiếp tục bàn cãi về việc tái bổ nhiệm mấy mươi vị thẩm phán đã bị ông Musharraf cách chức.

Năm ngoái, các vị thẩm phán dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cho rằng việc tái đắc cử của ông Musharraf là bất hợp hiến. Nhưng phán quyết chưa kịp đưa ra thì ông Musharraf đã cách chức các thẩm phán và tuyên bố tình trạng khẩn trương.

Ông Hussain Haggani, Đại sứ Pakistan tại Washington, cho biết rằng ông Musharraf cứ nghĩ rằng ông ấy đứng trên luật pháp.

Ông Haggani nói: "Ông ấy không thấy có gì sai trong việc cách chức các vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện và của Tòa Thượng thẩm. Ông ấy không thấy có gì sai trong việc tạm ngưng thực thi hiến pháp."

Các nước đồng minh trong khối Tây phương e rằng sự ra đi của ông Musharraf có thể làm gia tăng tình hình bất ổn ở Pakistan. Họ lo ngại là sự chia rẽ trong liên minh đương quyền có thể tạo ra một khoảng chân không nguy hiểm ở một nước có vũ khí hạt nhân như Pakistan.

Đại sứ Haggani cho biết nước ông không có một hệ thống chính trị ổn định và chính phủ liên hiệp cần phải đoàn kết với nhau. Ông nói thêm như sau.

Ông Haggani nói: "Đây là một cơ hội để Pakistan xây dựng một hệ thống chính trị dân chủ. Đây là một cơ hội để Pakistan phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của các chế độ dân sự và quân sự thay phiên nắm quyền. Đây cũng là một cơ hội đặc biệt vì là lần đầu tiên một người thực hiện đảo chánh quân sự đã bị hạ bệ mà không trải qua một cuộc đảo chánh quân sự."

Bà Teresita Schaffer là một chuyên gia về Nam Á, làm việc cho Viện Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở Washington. Bà cho rằng các đảng trong liên minh đương quyền đang gặp phải những trở ngại rất khó vượt qua.

Ông Schaffer nói: "Điều này đòi hỏi các đối thủ lâu đời phải tự chế và phải có ước muốn làm việc chung với nhau. Đây là một điều rất khó đạt được."

Ông Richard Boucher, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nam Á, cho đài VOA biết rằng Washington mong đợi được tiếp tục mối quan hệ vốn có với chính phủ Pakistan.

Ông Boucher nói: "Chúng tôi sẽ là đối tác của Pakistan. Chúng tôi sẽ là đối tác của tân chính phủ và sẽ làm việc chung với họ để giải quyết những vấn đề quan trọng đối với họ."

Một vấn đề then chốt là những nỗ lực của Pakistan nhằm trấn áp các phần tử nổi dậy thuộc phe Taliban và al-Qaida. Ông Musharraf vốn là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố, và đã điều động hàng ngàn binh sĩ đến khu vực bộ tộc giáp với Afghanistan để truy lùng các phần tử hiếu chiến.

Mới đây Tổng thống Bush của Mỹ và Thủ tướng Gilani của Pakistan đã cam kết tiếp tục hợp tác chống khủng bố trong lúc các phúc trình tình báo của Mỹ cho thấy rằng so với vài năm trước thì Taliban và al-Qaida giờ đây đã bén rễ sâu hơn trong vùng bộ tộc của Pakistan.

Bà Teresita Schaffer cho biết giờ đây mới đây đang chờ xem tân chính phủ có thể trấn áp các phần tử nổi dậy hay không.

Bà Schaffer nói: "Rõ ràng là chính phủ của ông Musharraf đã không ngăn chận được sự bén rễ của những người Pakistan theo phe Taliban, và trong vài trường hợp, của chính phe Taleban, ở những khu vực bộ tộc, và với một mức độ nào đó, sự bén rễ này còn xảy ra ở những khu vực thường được xem là đã ổn định của Pakistan."

Nhiều nhà bình luận của báo chí Pakistan cho rằng liên minh đương quyền phải giải quyết các mối bất đồng giữa họ với nhau trước khi có thể ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG