Đường dẫn truy cập

Cuộc chiến chống nạn buôn người của ngôi sao nhạc pop Valeriya


Diva nhạc pop của Nga, Valeriya, đang dùng sức thu hút siêu sao và kinh nghiệm cá nhân trong tư cách là một phụ nữ bị ngược đãi để giúp công nhân di trú ở tổ quốc của mình phá vỡ các xiềng xích khai thác tình dục và lao động cưỡng bức. Tổ chức Di trú Quốc tế, IOM, ở Geneve đã cử Valeriya làm đặc sứ thiện chí ở Liên bang Nga. Bà cho biết sẽ dùng chức vụ này để tìm cách ngăn chặn những di dân trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Từ trụ sở IOM ở Geneve, thông tín viên đài VOA Lisa Schlein ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật được Minh Phượng chọn làm đề tài cho Câu chuyện Phụ nữ kỳ này.

Siêu sao nhạc pop của Nga, Valeriya được say mê ở trong nước và tại các nước láng giềng. Bà đã bán được 100 triệu đĩa CD. Bà hy vọng sẽ xâm nhập được vào thị trường nhạc của Anh quốc, nơi bà đã được mệnh danh là Madonna của Nga, với một bản tiếng Anh của CD nhạc của bà có tựa là ‘Out of Control.’

Nhưng, tất cả đều không mang ý nghĩa tuyệt vời như thành quả sáng chói đó. Valeriya là người đầu tiên thừa nhận rằng người ta có thể lầm khi nhìn bề ngoài.

Bà Valeriya nói: “Tôi tự coi mình là một người từng là nạn nhân của chế độ nô lệ. Tôi đã gánh chịu nhiều đau khổ vì nạn bạo hành trong gia đình. Tôi buộc phải làm việc cho một người đàn ông, và đó chính là người chồng của tôi, và người đó đã đối xử với tôi như một tên nô lệ.”

Lời lẽ của bà ngược hẳn với hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp trầm tĩnh đã nói lên những lời đó. Bà không có vẻ gì là một nạn nhân. Cao, gầy và lịch lãm, Valeriya trông trẻ hơn số tuổi 40 của mình. Các bức hình quảng cáo của bà khai thác vẻ đẹp của mái tóc vàng và thân hình hấp dẫn. Tuy nhiên, ngoài đời thực trông bà giản dị và yếu ớt hơn nhiều. Tóc cắt ngắn như con trai, với những mái buông thả và đôi mắt to xanh lơ che giấu những đau khổ mà bà nói là bà đã phải chịu đựng trong 10 năm của cuộc hôn nhân.

Bà Valeriya: “Chồng tôi là một con quỷ thực sự. Tôi không biết trước điều đó, nhưng ông ta đã đánh đập tôi. Ông ta cắt tôi bằng dao và những hành vi lạm dụng tình dục – tất cả các việc làm xấu xa. Vì thế mà tôi biết được bị lạm dụng tình dục là thế nào. Nói về chuyện đó không phải là dễ dàng.”

Chồng của bà Valeriya cũng là người quản lý mọi công việc cho bà. Bà cho biết ông ta đã buộc bà phải ký nhiều hợp đồng để bà không thể làm việc mà không có phép của ông ta. Bà nói ông ta lấy hết tiền bạc của bà. Cuối cùng, bà cho biết bà quá chán ngán sự bạc đãi này, nên đã đem 3 đứa con chạy trốn đến một thị trấn nhỏ nơi cha mẹ bà sinh sống.

Bà Valeriya nói: “6 người chúng tôi sống chen chúc trong căn hộ nhỏ 1 phòng ngủ trong 2 năm trời, và khi đó tôi đã là một ca sĩ rất nổi tiếng. Nhưng đối với tôi thì không ăn thua gì. Tôi chỉ muốn được tự do.”

Bà Valeriya tin rằng bà có thể rút kinh nghiệm bản thân trong tư cách là một đặc sứ thiện chí của Tổ chức Di trú Quốc tế mà giúp cho những người đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của tệ buôn bán người.

Buôn lậu người thường có liên quan đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em để khai thác tình dục. Tệ nạn này còn liên quan đến việc khai thác các công nhân nông nghiệp và các nhà máy bóc lột sức lao động, cũng như những người làm tôi tớ trong nhà. Từ năm 1992, IOM báo cáo có khoảng nửa triệu phụ nữ đã rời khỏi Nga đi tìm việc làm ở các nước láng giềng. Tổ chức này cho biết nhiều người cuối cùng đã biến thành nạn nhân bị buôn bán.

Trưởng phái bộ IOM tại Liên bang Nga, ông Enrico Ponziani cho biết khi mọi người đến một nước nào đó, thì hộ chiếu và giấy tờ du hành bị tịch thu. Họ bị nhốt trong những nơi mà họ không được tự do đi lại.

Ông Ponziani nói: “Khi đó thì họ cơ bản trở thành nô lệ. Họ được cho ăn uống khi nào tay buôn bán người muốn cho họ ăn, và họ buộc phải làm theo lời bắt buộc.”

Ông Ponziani nói rằng hình thức nô lệ thời hiện đại này không phải chỉ áp dụng cho việc khai thác tình dục. Nó còn mang hình thức lao động cưỡng bách, theo đó thì người ta không được trả công cho việc làm của mình.

Ông Ponziani nói: “Họ buộc phải làm theo mệnh lệnh. Và nếu không làm thì bị đe dọa, đánh đập, và trong trường hợp phụ nữ, thì họ bị hãm hiếp... Buôn bán người mang cả hai hình thức đó. Nó tác động đến đàn ông, phụ nữ trẻ em, và tất cả mọi người.”

Khoảng 260 nạn nhân bị buôn bán đã được giúp đỡ tại một trung tâm phục hồi của IOM, được mở ra tại Matxcơva vào năm 2006. Nhiều người trong số này là người Nga, số còn lại là dân di trú từ Uzbekistan, Moldova và Ukraina.

Người đứng đầu các hoạt động chống buôn bán người trên toàn thế giới của IOM, ông Richard Danziger, nói rằng không thể nào có được các con số chính xác các nạn nhân bị buôn bán, nhưng ông chắc chắn rằng số 260 nạn nhân biết rõ tại Matxcơva chỉ là một phần của vấn đề.

Ông cho hay đã có một sự thay đổi lớn trong các xu hướng buôn bán người. Nga không còn là một nước phát xuất chính nữa.

Ông Danziger nói: “Nga đã trở thành nước đến chính. Nhờ nền kinh tế bộc phát, Nga đang thu hút dân di trú từ tất cả các nước lân cận. Chắc chắn là thành phần phụ nữ. Nhưng có cả đàn ông nữa.”

Valeriya nói rằng bà sẽ luôn giữ lại những vết thương của cuộc sống bị bạc đãi với người chồng. Nhưng bà cho biết bà sẽ dùng kinh nghiệm của bà để nói với những phụ nữ đã phải chịu nhiều đau đớn là không nên than thân trách phận, mà phải hành động và xây dựng lại cuộc sống, như bà đã làm.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG