Đường dẫn truy cập

Hội nghị hợp tác Nam Á: Biến lời nói thành hành động


Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ nói các nước Nam Á sẽ đạt được nhiều bước có tính dấu mốc trong hội nghị cấp cao kéo dài 2 ngày, kể cả một hiệp định hỗ trợ pháp lý chống các vụ khủng bố xuyên biên giới. Tuy nhiên trong một lời chỉ trích được coi là hiếm khi đến từ một quan chức cấp cao của một nước thành viên tham gia Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Pakistan đã chỉ trích chương trình nghị sự của hội nghị cấp cao là không đáp ứng được yêu cầu về những gì các nước Nam Á nên làm. Từ Colombo, Thông Tín Viên Steve Herman gửi về các chi tiết sau đây.

Bộ Trưởng của 8 quốc gia thuộc Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á nói họ đang gánh vác một trách nhiệm nặng nề bởi vì dân số của các nước thành viên chiếm đến 20% dân số thế giới.

Họ lưu ý rằng 40% thành phần nghèo khổ trên thế giới là cư dân các nước có chân trong hiệp hội, và những lĩnh vực cần được chú trọng liên quan tới an ninh lương thực-thực phẩm, các nguồn năng lượng, và xóa đói giảm nghèo.

Để đánh tan dư luận vẫn cho rằng Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á là một diễn đàn nơi người ta nói nhiều hơn là hành động, hội nghị lần này, diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật, dự định sẽ xúc tiến điều mà Bộ Trưởng Ngoại Giao Ấn Độ gọi là 4 thỏa thuận khung quan trọng.

Ngoại Trưởng của Ấn Độ giải thích: ”Đó là hiệp định hỗ trợ pháp lý giữa các nước thành viên, thành lập một quỹ phát triển của Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á, đặt ra những tiêu chuẩn đồng nhất, và thành lập một trường đại học - Đại Học Nam Á, cho các nước trong Hiệp Hội. Đây là những dự án mà chúng tôi đã thảo luận từ lâu, nhưng bây giờ là lúc biến những dự án này thành hiện thực.”

Theo kế hoạch, hiệp định hỗ trợ pháp lý sẽ thiết lập một cơ chế để chia xẻ thông tin về những kẻ tội phạm nhằm chống các hoạt động khủng bố trong khu vực.

Quỹ phát triển trị giá 30 tỉ đôla có mục đích xóa đói giảm nghèo. Tiêu chuẩn đồng nhất cho các loại hàng hóa và dịch vụ là nhằm thúc đẩy các trao đổi thương mại hiện vẫn còn yếu kém giữa các nước trong nhóm.

Và dự án cuối cùng là xây một trường đại học mới cho nhóm, theo dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2010 tại New Dehli với 5,000 sinh viên.

Nếu mang ra so sánh những gì mà Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á đã thực hiện được từ sau hội nghị cấp cao đầu tiên năm 1985, thì những dự án vừa kể quả thật sẽ rất đáng kể.

Thế nhưng Bộ Trưởng Ngoại Giao Pakistan, ông Shah Mahmood Qureshi, rõ ràng tỏ thái độ mất kiên nhẫn về tiến độ của Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á, mà ông cho là không thích hợp với thời điểm thế giới vừa bước qua thế kỷ 21.

Ông Qureshi nói: “Hiệp hội chúng ta đại diện cho 1 tỉ rưỡi người châu Á. Đây là một tổ chức quan trong của châu Á. Vậy chúng ta đã sẵn sàng đáp ứng thách thức đó hay chưa? Liệu tinh thần của Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á có phản ánh đúng thách thức của thời đại mới chưa? Theo ý tôi thì chưa.”

Ngoài Ấn Độ và Pakistan, các nước thành viên khác gồm có nước chủ nhà năm nay là Sri-Lanka. Các nước còn lại là Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, và Afghanistan, một thành viên mới gia nhập hiệp hội.

Thông thường, chương trình nghị sự chính thức của Hiệp Hội Hợp Tác Khu Vực Nam Á không được chú ý nhiều bằng các cuộc họp bên lề giữa lãnh đạo các nước thành viên.

Nhiều nước trong nhóm không có quan hệ tốt đẹp với nhau, và coi đây là cơ hội hiếm hoi để thảo luận riêng với nhau. Hội nghị năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó, và một lần nữa người ta đang chú ý theo dõi Ấn Độ và Pakistan, 2 nước đã từng đối đầu nhau trong 3 cuộc chiến trong 60 năm, để xem hai nước này tương tác với nhau như thế nào bên lề hội nghị hợp tác khu vực.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG