Đường dẫn truy cập

Bác sĩ tị nạn giúp tạo sự thay đổi cho hàng ngàn người ở Miến Ðiện


Hàng ngàn người bỏ trốn khỏi Miến Điện mỗi năm, để tránh cảnh nghèo khó, áp bức và nội chiến. Nơi trú thân gần nhất đối với phần đông là Thái Lan, nơi không ai thấy được họ. Bác sĩ Cynthia Maung, một y sĩ Miến Điện mà cũng chính là một người tỵ nạn, đang giúp tạo được sự thay đổi cho những người này và nhiều người khác nữa còn ở lại Miến Điện. Câu chuyện Phụ nữ kỳ này xin thuật lại bài tường trình của Phái viên Luis Ramirez của đài VOA viết từ vùng biên giới Thái-Miến.

Các bà mẹ xếp hàng cùng với con cái để chờ được chủng ngừa. Trong một hàng khác, các cặp vợ chồng ôm trẻ sơ sinh chờ được cấp giấy chứng nhận là con cái của họ sinh ở Thái Lan. Các văn kiện này thay thế cho giấy khai sinh mà Thái Lan từ chối không cấp. Những người này là những người tỵ nạn, và dưới mắt của giới hữu trách ở đây, họ không hiện hữu.

Nhưng đối với bác sĩ Cynthia Maung, thì họ rất đáng kể. Người tỵ nạn coi chẩn y viện Mae Tao do bà thành lập là một nơi trú ẩn an toàn, nơi các phép lạ xảy ra hàng ngày.

Bác sĩ Cynthia chạy trốn khỏi Miến Điện vào năm 1988 sau một cuộc đàn áp của quân đội nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ và công lý.

BS Cynthia nói: “Tôi tham gia nhóm biểu tình và sau đó khi quân đội lên nắm chính quyền, mọi người bắt đầu biến mất hay mất tích, hoặc là chạy ra vùng biên giới. Bản thân tôi quyết định đến vùng biên giới để tiếp tục tranh đấu hay hoạt động đòi thay đổi chính trị.”

Tại một căn nhà sập xệ có 2 phòng, bà bắt đầu làm công việc mổ xẻ và đỡ đẻ, bằng các dụng cụ được khử trùng bằng một nồi cơm điện.

Các y tá thiện nguyện được bác sĩ Cynthia huấn luyện chữa trị mọi thứ bệnh từ những vết thương vì mìn cho đến các chứng bệnh đường ruột. Với sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và các chính phủ nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, việc làm của bác sĩ Cynthia đã được tiếng là chỉ cần ít tiền mà làm được nhiều thứ. 150,000 người đến đây điều trị mỗi năm. Những người có khả năng thì phải trả dưới 1 đôla.

Bác sĩ Cynthia sống trong một khu nhà khiêm tốn cạnh chẩn y viện. Lẽ ra bà có thể di cư sang phương Tây và kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng đối với bác sĩ Cynthia, công việc ở đây là sự nghiệp lớn hơn.

Bà Cynthia nói: “Khi chúng tôi sống ở đây, chúng tôi không những chữa trị các bệnh tật, mà còn giáo dục cho những người trẻ tuổi có thể trở về làm việc cho cộng đồng của họ và có thiện chí muốn truyền bá các hoạt động y tế trong làng của họ, vì thể đây là một cơ hội rất tốt cho những người trẻ để cống hiến giáo dục và thêm nguồn hy vọng.”

Chẩn y viện huấn luyện các y tá thiện nguyện tỏa ra các khu vực của người Karen và những khu vực hẻo lánh khác ở Miến Điện. Một số người thiện nguyện là các bệnh nhân cũ– đã từng có lúc cực kỳ cần đến sự giúp đỡ – nay lại là những người ra tay cứu giúp. Chính họ là những người thể hiện viễn kiến của bà Cynthia.

Bà Cynthia nói: “Chúng ta phải dậy cho giới trẻ cảm thấy mình không phải là chỉ một nạn nhân mà còn là những người có thể làm thay đổi hay cải thiện tình hình.”

Bác sĩ Cynthia bị chính quyền quân nhân Miến Điện đả kích. Đối với tướng lãnh, bà là một phần tử khủng bố và một phần tử phản loạn. Đối với nhiều ngàn người mà bà trị bệnh và huấn luyện, thì bà là một vị thánh.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG