Đường dẫn truy cập

Chùa cổ 900 năm trở thành trọng tâm các nỗ lực đòi lật đổ thủ tướng Thái


Một ngôi chùa cổ 900 năm của Khmer tọa lạc ở biên giới Thái Lan và Kampuchea đã trở thành trọng tâm của các nỗ lực đòi lật đổ thủ tướng Thái. Chính phủ của ông Samak Sundaravej đang bị áp lực mạnh về một thỏa thuận với chính phủ Kampuchea có liên quan đến ngôi chùa này, cũng như cách thức chính phủ xử lý nền kinh tế. Quốc hội Thái Lan đang bước vào ngày thứ ba tranh luận về một khuyến nghị bất tín nhiệm thủ tướng, theo như bài tường thuật do phái viên Ron Corben của đài VOA gửi về từ Bangkok.

Trước đây trong năm, chính phủ của thủ tướng Samak Sundaravej đã đồng ý ủng hộ kế hoạch của Kampuchea liệt kê ngôi chùa Preah Vihear trong danh sách các Di sản của Thế giới theo quy định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc, tức UNESCO.

Từ nhiều thế kỷ, hai nước đã bất đồng với nhau về quyền sở hữu ngôi chùa tọa lạc gần biên giới giữa hai bên. Năm 1962, Tòa Án Quốc tế đã phán dành chủ quyền cho Kampuchea, nhưng phần đất kế cận nằm trong vòng kiểm soát của Thái Lan.

Trong cuộc tranh luận tại Quốc hội tuần này về một đề nghị bất tín nhiệm, phe đối lập đã cáo buộc chính phủ là ký thỏa hiệp một cách vội vàng và từ bỏ chủ quyền của Thái Lan. Chính phủ bác bỏ lời cáo buộc này.

Ông Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị của trường đại học Chulalongkorn, nói rằng dân chúng nêu nghi vấn về quyền của Kampuchea đơn phương xin được cấp quy chế Di sản Thế giới.

Ông Panitan nói: “Vấn đề ngôi chùa Prah Viharn là một câu hỏi rõ ràng và quan trọng mà chính phủ cần phải làm sáng tỏ những sự hiểu lầm quanh quyết định vội vàng ủng hộ Kampuchea đăng ký ngôi chùa đó với UNESCO. Đó là một vấn đề cần phải nhanh chóng làm sáng tỏ bởi vì nó khơi ra tình cảm dân tộc trong nhiều cử tri Thái.”

Ông Panitan nói rằng người dân Thái đã trông đợi cả hai nước cùng yêu cầu sự chỉ định của UNESCO. Vương quốc Khmer trong thời cực thịnh bao gồm cả các tỉnh miền cực tây Thái Lan.

Trong các thế kỷ vừa qua, Kampuchea và Thái Lan đã nhiều lần tranh chấp về lãnh thổ. Một số thành viên của phe đối lập cáo buộc rằng thỏa thuận về ngôi chùa này có liên quan đến các kế hoạch của cựu thủ tướng Thaksin Shinawat muốn đầu tư vào Kampuchea, điều mà chính phủ không nhận là đúng.

Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006, sau khi phe đối lập biểu tình trong nhiều tháng phản đối chính phủ của ông. Ngôi chùa chỉ là một trong nhiều vấn đề mà phe đối lập nêu ra trong tuần này trong 3 ngày tranh luận về khuyến nghị bất tín nhiệm.

Các nhà lãnh đạo đối lập đã gọi ông Samak là bất tài và chỉ trích cách thức ông xử lý nền kinh tế.Hàng ngàn người đã biểu tình bên ngoài văn phòng của ông Samak suốt tuần, đòi ông từ chức. Chính phủ liên hiệp của ông được coi như liên hệ quá mật thiết với ông Thaksin, người mà phe đối lập cho là tham nhủng và lạm quyền.

Một cuộc biểu quyết về khuyến nghị bất tín nhiệm dự trù diễn ra vào ngày mai. Trong khi các nhà phân tích ở Thái Lan nói rằng có thể ông Samak sẽ vượt qua được cơn sóng gió, tin tức hôm nay nói rằng ngoại trưởng và Bộ trưởng thương mại có thể bị thay thế sau cuộc biểu quyết.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG