Đường dẫn truy cập

Số lượng nhân công rẻ tiền của Trung Quốc cạn dần


Tin từ Trung Quốc cho hay khối lượng nhân công khổng lồ và rẻ tiền của nước này đang thu hẹp dần và hiện tượng này có thể tác hại tới nền kinh tế dựa rất nhiều vào công cuộc sản xuất nhờ tập trung vào sức lao động. Từ Hongkong, phái viên Claudia Blume của đài VOA gửi về bài tường trình sau đây.

Khối lượng lớn công nhân rẻ tiền được cung ứng cho Trung Quốc là trụ cột của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này trong 3 thập niên qua. Nhưng theo một tổ chức nghiên cứu hàng đầu là Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì thời kỳ cung ứng công nhân quá mức và vô giới hạn đang sắp chấm dứt.

Cuộc nghiên cứu của học viện vừa kể cho thấy số công nhân thặng dư từ nông thôn, nguồn công nhân di trú cho các nhà máy của Trung Quốc là khoảng 50 triệu người, kém xa con số ước lượng trước đây là từ 150 tới 200 triệu.

Ông Jonathan Unger, Giám đốc Trung Tâm Trung Quốc Đương đại tại Viện đại học quốc gia Australia, cho biết bây giờ có ít người hơn muốn rời khỏi nông trại so với trước đây. Một phần vì có họ nhiều cơ hội tìm được công ăn việc làm ở nông thôn hơn và cũng vì giá nông phẩm đã gia tăng.

Ông Unger nói: “Và đồng thời thuế má và lệ phí ở nông thôn cũng giảm nhờ nhiều chính sách mới của chính phủ. Do đó, mọi người không còn bị buộc phải rời khỏi nông trại một cách vô vọng như cách đây 5 hay 6 năm để đi kiếm cho đủ tiền nuôi gia đình và giúp đỡ thân nhân ở quê nhà.”

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết một nguyên nhân khác nữa khiến khối nhân công sút giảm là do chính sách về dân số của nhà nước, cho phép cư dân thành thị chỉ được sinh một con, trong khi nông dân thì được phép sinh 2 người con nếu đứa con đầu là con gái.

Một cuộc khảo cứu của LHQ tiên đoán lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ lên đến cực điểm vào năm 2015 và sau đó sẽ giảm dần. Một số khu vực sản xuất lớn của Trung Quốc, như tỉnh Quảng đông hiện nay đã lâm vào tình trạng thiếu nhân công.

Một số nhà kinh tế cho rằng sự thiếu hụt đó, ít nhất là vào lúc này, là vấn đề phải đối phó của từng khu vực chứ chưa phải của cả nước. Ông Sun Mingchun, một kinh tế gia thuộc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tại Hongkong, nêu lên điểm là vẫn có nhiều triệu người tại Trung Quốc không kiếm được công ăn việc làm.

Ông Sun nói: “Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu tạo ra khoảng 9 triệu hay 10 triệu công việc trong một năm. Nhưng nếu quý vị nhìn vào con số công việc gia tăng mới của năm ngoái thì chỉ 6 triệu mà thôi. Như vậy là vẫn còn 3, 4 triệu người không tìm được việc làm.”

Thu nhập trung bình của các công nhân di trú đến từ nông thôn đã gia tăng đáng kể trong mấy năm gần đây, tăng khoảng 11,5% trong năm 2006 và 20% trong năm 2007. Hai ông Sun và Unger cho biết lý do chính của việc tăng lương là lạm phát, có nghĩa là mãi lực đã không tăng nhiều như thế.

Giá nhân công tăng và tình trạng thiếu nhân lực tại một số khu vực là một phần trong nguyên do khiến một số cơ sở sản xuất nước ngoài đã bắt đầu chuyển công việc sản xuất đến nơi tốn kém ít hơn tại Á Châu, tỷ như Việt Nam kế bên Trung Quốc.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG