Đường dẫn truy cập

TNS Obama: Niềm tự hào của người Mỹ gốc Châu Phi


Những người Mỹ gốc Châu Phi rất lấy làm tự hào khi Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành người da màu đầu tiên được xem như sẽ đại diện cho một chính đảng quan trọng để ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên. Đối với một số người thì niềm vui lại pha lẫn với những nỗi lo ngại trong trường hợp ông Obama thất bại chua cay trước ứng cử viên đang chờ Đảng Cộng hòa đề cử là Thượng nghị sĩ John McCain trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 11 tới đây. Từ Washington thông tín viên Cindy Saine của Đài VOA có bài tường trình sau đây.

Người Mỹ gốc châu Phi đang mừng thắng lợi của ông Barack Obama. Đối với nhiều người thì đây là những giây phút đầy xúc động. Nhiều người hồi hộp theo dõi truyền hình trực tiếp tối thứ ba tuần trước và không thể tin nổi khi ông Obama tuyên bố giành được sự đề cử của đảng sau khi thu được đủ số phiếu đại biểu. Ông Curtis Pree, một nhà môi giới địa ốc đồng thời là một bình luận gia chính trị cư ngụ tại thủ đô Washington, nói như sau.

Ông Pree nói: "Tôi biết có lẽ nhiều người đã khóc, và có nhiều người khác cũng gần khóc, và họ nói rằng họ cố nén xúc động để dành nước mắt cho tháng 11."

Ông Christopher Parker là một giáo sư phụ giảng môn khoa học chính trị của Đại học Washington ở thành phố Seatle. Ông đang giảng dạy một khóa học về chính trị của người Mỹ gốc châu Phi. Nội dung của khóa học này bào trùm các vấn đề từ thời kỳ trước Cuộc Nội chiến Mỹ ở miền Nam nước Mỹ, cho đến vấn đề đối xử phân biệt và kỳ thị đối với người da đen, phong trào dân quyền và nhiều vấn đề khác. Ông Parker tự nhủ rằng thắng lợi của ông Obama là một vấn đề xúc động.

Ông Parker nói rằng thật khó có thể mô tả hết việc ông Obama giành được sự đề cử của đảng có ý nghĩa như thế nào đối với người Mỹ gốc châu Phi.

Ông Parker nói: "Những người da đen cảm thấy tự hào khi thấy những hình ảnh của ông Obama trong cung cách mà ông thể hiện cho chính ông và cho chúng tôi. Thật là một niềm tự hào to lớn. Tôi thật không biết phải dùng những từ ngữ nào để lột tả hết những cảm giác đó."

Ông Parker nói rằng thế hệ ông bà của ông đã lớn lên vào thời kỳ luật Jim Crow được áp dụng tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ từ năm 1876 đến năm 1965, bắt buộc người da đen không được học chung với người da trắng ở các trường công, không được ngồi chung với người da trắng ở những nơi công cộng, và trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện... Luật dân quyền ra đời trong thập niên 1960 đã chấm dứt luật đối xử phân biệt đối với người da đen.

Theo kế hoạch, ông Obama sẽ đọc bài diễn văn nhận sự đề cử tại Đại hội Đảng Dân chủ toàn quốc vào ngày 28 tháng 8 ở thành phố Denver, tức là 45 năm sau ngày thủ lãnh dân quyền Martin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng mang tên 'Tôi mang một ước mơ' tại Washington.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc châu Phi lo sợ rằng giấc mơ về vị tổng thống da đen đầu tiên có thể biến thành ác mộng nếu ông Obama thua ông McCain vào tháng 11 này.

Ông Parker giải thích: "Nếu ông Obama không giành được thắng lợi, và nếu các cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy yếu tố chủng tộc là quan trọng và cử tri dồn phiếu cho ông McCain, thì tôi lo rằng nước Mỹ sẽ gặp trở ngại khó khắc phục được."

Ông Ron Walters, giáo sư môn chính trị và công quyền tại Đại học bang Maryland. Khi được hỏi liệu ông có đặt nhiều hy vọng vào cơ hội chiến thắng của ông Obama, ông đã trả lời thận trọng như sau.

Ông Walters nói: "Là một nhà phân tích, tôi lạc quan một cách thận trọng hơn là bởi vì một mặt tôi cảm rất tự hào và vui mừng khi chứng kiến sự kiện này, nhưng đồng thời tôi cũng biết được những thử thách mà ông Obama phải đối diện sẽ rất ghê gớm, cả trong cuộc tổng tuyển cử – và, lẫn trong chính quyền mà ông sẽ lãnh đạo nếu ông thắng cử."

Ông Curtis Pree nói rằng bản thân ông Obama là đa chủng tộc bởi vì cha ông là người gốc Kenya còn mẹ ông là một người Mỹ da trắng.

Ông Pree nói: "Điều làm cho thắng lợi này trở thành một chiến thắng lịch sử vì bản thân ông Barack Obama là một cá nhân đa chủng tộc, đã theo học đại học Harvard, có mẹ người da trắng và cha người da đen, và ông đã được công chúng đánh giá qua cá tính của ông chứ không phải qua màu da của ông."

Nhiều cử tri Mỹ trẻ tuổi đồng ý với nhận định này. Họ nói rằng họ hoàn toàn không đánh giá ông Obama qua màu da mà họ bỏ phiếu cho ông Obama dựa trên nhận định căn bản rằng ai sẽ là ứng cử viên xứng đáng nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG