Đường dẫn truy cập

Số sinh viên Trung Quốc đi du học tăng kỷ lục


Số sinh viên Trung Quốc đi du học dự kiến sẽ lên tới mức kỷ lục trong năm nay giữa lúc ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường đại học ở Mỹ, Âu Châu và Australia. Nhiều sinh viên cho biết họ muốn có được bằng cấp của nước ngoài để giành ưu thế trong lúc tìm kiếm công ăn việc làm ở Trung Quốc. Từ Bắc kinh, thông tín viên Jennifer Pak của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Nhiều người đang chen chúc tại văn phòng ở Bắc kinh của công ty Tân Đông Phương, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho các sinh viên muốn ra nước ngoài du học.

Cô Lưu Huệ là một trong các sinh viên này. Cô nói rằng cô muốn lầy bằng cao học ở Mỹ,

Cô Lưu nói: "Khi còn bé, tôi ở nông thôn chứ không ở thành phố. Người dân ở làng tôi tuy không biết kem lạnh là gì nhưng ai nấy đều biết rằng thành phố New York là ở Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng người dân Trung Quốc có ấn tượng rất sâu sắc về nước Mỹ."

Trong năm vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ đã cấp cho sinh viên Trung Quốc một số lượng thị thực nhập cảnh cao kỷ lục, hơn 53,000 thị thực, tăng 43% so với năm 2006.

Các giới chức thuộc đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh nói rằng sự gia tăng vừa kể là kết quả của sự gia tăng của số người nộp đơn, chứ chính sách và qui định của giới hữu trách Mỹ không có gì thay đổi.

Nhiều nước khác trên thế giới, như Australia, đã bắt đầu thực hiện các chương trình cấp học bổng để thu hút thêm sinh viên Trung Quốc. Và các nhà ngoại giao Anh quốc cho hay: nhiều trường Đại học ở nước họ đang ra sức thu hút sinh viên giỏi từ Trung Quốc và các nước khác. Tòa Đại sứ Anh nói rằng hơn 20,000 sinh viên Trung Quốc đã được cấp chiếu khán để du học ở Anh.

Tại Trung Quốc, các sinh viên phải đương đầu với những kỳ thi rất khó khăn để được thu nhận và sau khi tốt nghiệp họ cũng phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường công ăn việc làm.

Các số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy vào cuối năm 2007 có đến một triệu sinh viên mới ra trường không tìm ra công ăn việc làm.

Đó chính là lý do khiến cho anh Nghiêm Xương, một sinh viên năm thứ ba, muốn có được ưu thế cạnh tranh qua việc lấy bằng cao học ở Ireland.

Anh Nghiêm nói: "Số người có bằng cử nhân hiện nay nhiều như là mùa thu. Đi đâu cũng gặp. Tôi không cần biết là có học được hay không. Tôi chỉ muốn có một mảnh bằng."

Bà Lư Vi là người chuyên tư vấn cho các sinh viên muốn du học ở Mỹ. Bà cho biết giờ đây việc sang Mỹ du học đã trở nên dễ dàng hơn trước.

Bà Lư nói: "Trước đây những người không thạo tiếng Anh không thể xin học để lấy bằng cử nhân ở Mỹ. Tuy nhiên, các Đại học Mỹ hiện nay đã tìm cách thích nghi với thị trường Trung Quốc. Vì việc lấy bằng TOEFL không dễ dàng, cho nên nhiều trường đại học cho phép sinh viên được bổ túc khả năng Anh văn trong lúc theo học để lấy bằng cử nhân hoặc theo học những chương trình khác. Chúng tôi nhận thấy rõ ràng là sinh viên Trung Quốc đã dễ dàng hơn trong việc xin học ở các trường Đại học ở Mỹ. Dĩ nhiên, đây chỉ là những trường thuộc hàng trung bình. Còn những trường đại học hàng đầu thì việc cạnh tranh để được thu nhận vẫn rất kịch liệt."

Bà Lư cho biết một số sinh viên từng bị bác đơn xin thị thực nhập cảnh giờ đây đang nộp dơn trở lại với hy vọng sẽ được chấp nhận.

Mặc dù vậy, cô Tạ Thanh cho biết cô không rõ là có nên nộp đơn lại hay không. Đơn xin visa của cô đã bị bác hồi năm 2004 tuy cô được Đại học Boston cấp học bổng. Cô tạ nói rằng những người muốn ra nước ngoài du học nên chuẩn bị trước 4 năm, ghi tên theo học các lớp ngoại ngữ, và tham dự những lớp huấn luyện để biết cách trả lời các câu hỏi của nhân viên lãnh sự. Cô cho biết để có được cơ hội ra nước ngoài du học, sinh viên Trung Quốc phải chi tiêu khoảng 7 ngàn đô la.

Cô Tạ nói thêm: "Đây là một quá trình rất nhiêu khê. Nếu các bạn cứ nghĩ là đơn xin visa của mình sẽ được chấp thuận ngay trong lần đầu tiên, các bạn sẽ bị thất vọng. Mà một khi bị bác đơn thì các bạn sẽ có cảm giác hụt hẫng, không biết sẽ phải làm gì."

Cô Lưu Huệ cho rằng việc được đi du học tùy thuộc rất nhiều vào sự may mắn.

Cô Lưu nói: "Rốt cuộc thì mọi việc đều qui vào việc các bạn có may mắn hay không. Để cuộc phỏng vấn được trót lọt, chúng ta cũng còn phải xem nhân viên lãnh sự hôm đó có được vui vẻ hay không. Người ta thường nói rằng 99% là do cố gắng và 1% là do may mắn. Nhưng đối với tôi thì 99% là may mắn còn cố gắng chỉ chiếm 1%."

Cô Lư cho biết cô hy vọng sẽ có đủ may mắn để được đứng vào đội ngũ của khoảng 200,000 sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài du học trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG