Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 14 năm vụ diệt chủng Rwanda


Vào dịp kỷ niệm 14 năm cuộc diệt chủng tại Rwanda, tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tuyên bố Cơ quan LHQ có nghĩa vụ đạo đức phải ngăn ngừa không để xảy ra một vụ diệt chủng khác. Từ trụ sở LHQ ở New York, phái viên Margaret Besheer của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật sau đây.

Trẻ em Rwanda mặc y phục màu tím - màu tưởng nhớ - đã giúp bà Euginie Mukeshimana, một người sống sót trong vụ diệt chủng, thắp một ngọn nến để tưởng nhớ 800,000 người Rwanda thiệt mạng trong vụ diệt chủng năm 1994.

Bà Mukeshimana, lúc đó đang mang thai được 6 tháng, đã mất chồng, mất cha và mất cả các thân nhân trong gia đình trong vụ diệt chủng. Bà cho biết cảm nghĩ về những mất mát trong lòng những người sống sót rất sâu đậm.

Bà Mukeshimana nói: “Tôi không có cách nào để bày tỏ cảm nghĩ ra sao khi người ta đã từng sống trong một cộng đồng sinh động và rồi mọi thứ biến mất trong giây lát. Vậy mà những con người đó vẫn sống và vẫn hy vọng là tương lai sẽ khá hơn, không những chỉ đối với họ mà còn cho cả các thế hệ mai sau nữa. Tuy nhiên chúng tôi cũng lo ngại rằng những gì đã xảy ra cho chúng tôi nay cũng đang xảy ra cho các bà mẹ tại Darfur và còn có thể sẽ xảy ra nữa trong tương lai nếu chúng ta không quan tâm tới mà chỉ đứng yên như những khách bàng quan...”

Những phụ nữ như bà Mukeshimana chính là những người được ông Tổng thư Ký Ban Ki-moon vinh danh khi ông nói cử tọa rằng lòng can đảm và khả năng phục hồi của những nạn nhân sống sót trong vụ diệt chủng tại Rwanda là một nguồn hứng khởi và là một sự nhắc nhở đối với chúng ta.

Ông Ban Ki-moon nói: "Về mặt đạo lý LHQ có nhiệm vụ phải hành động từ những bài học từ Rwanda. Đó là lý do ngày hôm nay cũng còn là một lời kêu gọi đẩy mạnh nỗ lực ngăn chận một vụ diệt chủng khác, Đây là sự nghiệp mà tôi quyết tâm theo đuổi trong thời gian tôi giữ chức vụ Tổng thư ký LHQ và nhiều năm sau đó nữa.”

Ông Tổng thư ký LHQ đến thăm Rwanda hồi tháng Giêng năm nay và tháng rồi ông đã tặng 10 ngàn đôla trong quỹ dành cho các dự án đặc biệt tại Rwanda cho một hội từ thiện của chính phủ nước này, một tổ chức giúp đỡ cho những nạn nhân sống sót sau vụ diệt chủng.

Trong lời nhận định, ông Ban Ki-moon nói thêm rằng tất cả mọi người, từ chính phủ, giới truyền thông, cho đến xã hội dân sự và mỗi cá nhân, đều có nhiệm vụ trong việc ngăn chận nạn diệt chủng và bảo vệ nhân quyền.

Trong khuôn khổ của nỗ lực nâng cao vai trò của LHQ trong khu vực, năm ngoái ông Ban đã chỉ định ông Francis Deng của Sudan làm cố vấn đặc biệt cho ông về vấn đề ngăn ngừa nạn diệt chủng.

Tại Rwanda, khoảng 800,000 người sắc tộc Tutsi và những người có chủ trương ôn hòa Hutus đã bị sát hại trong thời gian hơn 100 ngày, từ tháng Tư đến tháng Sáu năm 1994. Vụ diệt chủng bắt đầu sau khi chiếc máy bay chở Tổng thống người Hutu của Rwanda bị bắn hạ trên không phận thủ đô nước này, châm ngòi cho những vụ giết người tập thể do người Hutu cực đoan thực hiện để chống lại lại người Tutsi và những người Hutu nào đã chống đối chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG