Đường dẫn truy cập

Chương trình nhằm giúp đỡ di dân lớn tuổi tại Hoa Kỳ


Đại đa số di dân tại Hoa Kỳ là những người trẻ trong lứa tuổi làm việc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, càng ngày ngày càng có nhiều di dân lớn tuổi, từ 60 đến hơn 70 tuổi, đến Hoa Kỳ, với con số hơn 100,000 người mỗi năm. Và đối với nhiều người trong số này thì đời sống ở nước Mỹ đã không giống như những gì mà họ từng hy vọng. Fremont, một thành phố có nhiều di dân thuộc các sắc tộc khác nhau nhất trong bang California, là nơi có rất nhiều di dân thuộc thành phần cao niên. Mời quí vị theo dõi bài tường trình của Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Lonny Shavelson về một chương trình mới nhằm giúp đỡ những người già này.

Trong một căn chung cư rất nhỏ, nơi có nhiều di dân Ấn Độ đang sống chen chúc với nhau, ông Hardev Singh vặn nhỏ bớt âm thanh của một bài kinh cầu nguyện được chạy đi chạy lại nhiều lần từ một cái hộp gỗ.

Ông Singh nói rằng ông đến Hoa Kỳ để sống với người con gái và gia đình của cô ấy.

Ông Singh nói: "Thật ra thì con gái của ông đã mời gọi ông sang Hoa Kỳ, và cô ấy đã làm đơn xin cho ông được phép sang đây để cùng sống trong gia đình."

Tuy nhiên, ông Singh nhận thấy rằng cuộc sống của gia đình này lúc nào cũng bận rộn. Con gái của ông và người chồng đều làm việc ca đêm tại một hãng cung cấp các thiết bị y tế. Những đứa cháu ngoại trẻ trung của ông đã có một lối sống mà cụ mô tả là khác thường. Sau đó, cha mẹ của người con rể của ông cũng đến ở chung, do đó căn nhà đã không còn đủ chỗ để ở nữa. Cụ Singh đã dời đến một căn chung cư đông đúc khác nằm ở phía bên kia phố.

Cụ nói rằng cụ cảm thấy rất đau buồn nhưng hy vọng rằng sự đau buồn này sẽ giảm bớt theo thời gian.

Người thông dịch này là anh Kashmir Shahi, 42 tuổi, một kỹ sư phần mềm điện toán, trước đây đã đến Hoa Kỳ từ tỉnh Punjab của Ấn Độ. Anh là một trong số 30 người tình nguyện, vừa mới trải qua một lớp huấn luyện do thành phố Fremont tổ chức để giúp đỡ những di dân cao niên.

Anh rất buồn khi thấy những gì đã xảy ra cho ông Singh và gia đình của ông.

Anh Shahi nói: "Thật là điều đáng hổ thẹn đối với gia đình này. Họ đã được hứa hẹn là hệ thống ở đây sẽ chăm sóc đầy đủ cho họ, nhưng trên thực tế thì hệ thống này đã không làm như vậy."

Tuy nhiên, bà Mary Ann Mendall, giám đốc cơ quan Quản Trị Người Già và Dịch Vụ Gia Đình của thành phố Fremont, nói rằng đó không phải là một sự quên lãng. Đó là đời sống thực tế tại Hoa Kỳ. Các cha mẹ và ông bà của di dân đến Hoa Kỳ với hy vọng sẽ được sống chung trong một đại gia đình như trên quê hương của họ, có thể sẽ cảm thấy hoang mang trước những gì mà họ nhận thấy tại vùng đất mới này.

Bà Mendall giải thích: "Vợ chồng đều đi làm, con cái thì đi học, khu chung cư trở nên vắng tanh, do đó những người ở nhà cảm thấy đơn độc."

Cũng theo lời bà Mendall thì bà không biết rõ có bao nhiêu di dân cao niên đang gặp những khó khăn trong gia đình vì họ thường hay cảm thấy ngượng ngùng, không muốn nói lên tình trạng đó. Tuy nhiê, tình trạng tuyệt vọng của những di dân cao niên đã được trình bày rõ ràng với bà trong một cuộc họp vào năm ngoái.

Bà Mendall nói: "Trong khi tất cả đều yên lặng thì một người già đứng lên nói rằng chúng tôi cảm thấy như là những ký sinh trùng sống bám vào con cái chúng tôi. Chúng tôi phải trông cậy vào con cái để giải quyết các nhu cầu về tiền bạc, nhà ở, và hội nhập vào xã hội. Và tất cả chúng tôi đều cảm thấy chán nản."

Do đó, thành phố Fremont đã khởi sự một chương trình có tên là 'Chương Trình Sứ Giả Cộng Đồng' cho Những Người Cao Niên, và đã tổ chức 14 nhóm tập trung, với 9 ngôn ngữ khác nhau, để tìm hiểu nhu cầu của các di dân cao niên nhằm mục đích giúp họ hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Trong một cuộc họp tại một đền thờ Sikh, những người lớn tuổi có rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như "Có cơ sở nào hoặc ngân khoản trợ cấp này để dạy lái xe cho những người lớn tuổi hay không?" hoặc "Về quyền lợi của những người còn sống sót thì họ phải đóng góp tiền bạc trong bao lâu hoặc phải làm việc trong bao nhiêu năm tại Hoa Kỳ thì mới được hưởng những quyền lợi đó?", và "Theo chương trình này thì có sự giúp đỡ tiền mặt hoặc trợ cấp nào hay không?"

Hiện nay, các sứ giả này đang giúp các di dân cao niên về nhiều vấn đề như gia cư, chăm sóc y tế, giúp đỡ pháp lý, cố vấn gia đình, và những chỉ dẫn khác tuy đơn giản nhưng rất quan trọng cho những người già, chẳng hạn như cách đi xe buýt.

Theo lời những người làm việc tình nguyện này thì tất cả các nỗ lực của họ là nhằm mục đích giúp làm giảm bớt sự cô đơn và chán nản của những người già. Tuy nhiên có một điều khó sửa đổi hơn, đó là thái độ của ngườì Mỹ đối với những người già cả. Theo sự giải thích của bà Marita Grudzen thuộc Trung Tâm Giáo Dục Lão Khoa của trường Đại Học Stanford thì tại Hoa Kỳ, nhiều người trong xã hội không coi trọng những người già.

Bà Grudzen nói: "Khi đi ra ngoài, những người già không được kính trọng hoặc được tiếp đãi ân cần như họ đã được đối xử trên quê hương cũ. Do đó có hàng trăm chuyện nhỏ nhặt mà họ cảm thấy như là những mất mát to lớn.'

Trước khi rời khỏi Ấn Độ, ông Hardev Singh đã chính thức về hưu sau một thời gian dài phục vụ trong quân đội. Bây giờ ở vào tuổi 75, ông đang chuẩn bị để rời khỏi một việc làm mà ông phải nhận để kiếm sống, đó là việc làm ca đêm tại một trạm xăng ở địa phương.

Anh Kashmir Shahi đã ghi tên ông Singh vào chương trình chăm sóc y tế Medicare, và tạo cơ hội để ông có thể gặp gỡ các di dân Ấn Độ cao niên khác, đồng thời anh cũng đang tìm cách giúp ông đến ở tại một khu gia cư ít đông người hơn. Tuy nhiên, anh Shahi nói rằng chính sự hiện diện của anh trong tư cách là một sứ giả cộng đồng tại Fremont đã giúp ông Singh nhiều nhất, và điều này cho thấy rằng ông đã được coi trọng tại Hoa Kỳ.

Anh Shahi nói: "Tôi nghĩ rằng ý nghĩa thật sự của công tác này là mang lại cho ông Singh sự thoải mái để ông có thể an hưởng tuổi già tại Hoa Kỳ."


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG