Đường dẫn truy cập

Các kinh tế gia tranh luận về mức độ tệ hại của nền kinh tế Hoa Kỳ


Các cuộc thăm dò công luận cho thấy tuyệt đại đa số người Mỹ tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng suy thoái, mặc dù các số liệu thống kê của chính phủ chưa cho thấy một thời kỳ tăng trưởng âm theo đúng định nghĩa chính thức. Điều mà ai cũng biết là nền kinh tế Mỹ đã chậm lại một cách đáng kể, và các thị trường địa ốc và tín dụng ở Hoa Kỳ đang bị xáo trộn trong khi đồng đôla sụt giá mạnh và áp lực lạm phát tăng cao. Các kinh tế gia hàng đầu không thỏa thuận mấy với nhau về mức độ tệ hại của tình hình, theo ghi nhận của phái viên Michael Bowman tại thủ đô Washington trong bài tường thuật sau đây.

Mấy tháng vừa qua đã chứng kiến một dòng thác tin kinh tế đáng lo ngại, mà tuần trước không vượt ra ngoài lệ thường. Cuộc khủng hoảng về tín dụng thứ cấp đã đẩy các ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ đến bờ vực phải giải thể, và chỉ được cứu vãn nhờ một vụ bán lại được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi. Sản lượng công nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục sút giảm, trong khi giá dầu vẫn ở mức trên 100 đôla một thùng.

Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã hai lần cắt lãi suất để tạo dễ dàng cho việc vay tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay cả các biện pháp đó dường như càng làm tăng thêm khái niệm là nền kinh tế Hoa Kỳ đang bấp bênh. Ông Lawrence Summers đã từng làm bộ trưởng tài chính dưới thời tổng thống Clinton nêu nhận xét như sau.

Ông Summers nói: “Tôi nghĩ có nhiều phần chắc là chúng ta đang ở trong tình trạng suy thoái ngay lúc này. Tôi cho rằng điều chắc chắn là phần lớn mọi người đều cảm thấy như thế. Tôi hy vọng sự suy thoái sẽ được ngăn chặn một cách dễ dàng và chúng ta sẽ thấy nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Nhưng sau những diễn biến trên các thị trường tài chính, thì tôi không nghĩ là điều đó có thể xảy ra.”

Ông Summers đưa ra nhận định vừa kể trong chương trình truyền hình Tin tức Chủ nhật của đài Fox. Cùng xuất hiện trong chương trình này có ông Glenn Hubbard, người từng đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế của tổng thống Bush. Ông Hubbard cho rằng tình trạng hiện thời rất u ám, nhưng ông tin rằng sự trì trệ kinh tế của Mỹ sẽ ngắn hạn.

Ông Hubbard nói: “Rõ ràng là chúng ta đã có chiều hướng đi xuống trong năm ngoái với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân trên 3% xuống còn từ 1 đến 1,5 % trong năm nay. Thị trường lao động đã bắt đầu xuống cấp. Cuộc khủng hoảng tín dụng là vấn đề rất lớn cho nền kinh tế. Tuy thế, tôi vẫn hy vọng một sự phục hồi trong nửa sau của năm nay, phần lớn nhờ vào các quyết định chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.”

Hồi đầu năm nay, chính phủ liên bang đã thực thi một kế hoạch kích thích kinh tế sẽ dành cho người thọ thuế có thu nhập thấp một chi phiếu trừ thuế, cũng như giảm thuế để khích lệ đầu tư doanh nghiệp. Chính phủ Bush cũng khuyến khích những cơ sở cho vay tiền mua nhà thương lượng các kỳ hạn với những người vay tiền đang gặp khó khăn về tài chính và có thể bị tịch biên nhà.

Khắp nước Mỹ, hàng chục ngàn người sở hữu nhà đã buộc phải bỏ nhà bởi vì các khoản nợ mua nhà được định lại với lãi suất cao hơn, khiến họ không trả nổi khoản tiền đóng hàng tháng.

Một số người ở Washington đang kêu gọi có biện pháp mạnh hơn để tăng cường sự giám sát và điều hành của chính phủ trong các thị trường tín dụng, không những để xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện thời mà còn để ngăn chặn việc cho vay những khoản nhiều rủi ro, được quy trách cho tình trạng rối loạn về địa ốc hiện nay.

Nghị sĩ Charles Schumer của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang New York nói rằng việc tổng thống Bush không có biện pháp gì đã làm cho nền kinh tế trở nên tệ hại hơn.

Ông Shumer nói: “Giá mà chính phủ sớm có biện pháp tích cực hơn – nhất là về cuộc khủng hoảng nhà đất, khi nhiều người trong chúng ta yêu cầu chính phủ làm như thế – thì chúng ta đã không đến nông nỗi này.” Ông Schumer phát biểu trong chương trình 'This Week' của đài ABC.

Nhưng nghị sĩ John Kyl của đảng Cộng hòa, đại diện bang Arizona nói rằng phía đảng Dân chủ cũng đáng chê trách không kém khi nói đến những tai ách về nhà đất và tín dụng.

Ông Kyl nói: “Dĩ nhiên không phải riêng chính phủ Bush mà cả các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội đều đẩy các ngân hàng đứng ra cho vay tiền cho cả những người không hội đủ điều kiện.”

Trong những ngày sắp tới, các số liệu kinh tế mới sẽ được công bố về số bán nhà đất, mức chi của người tiêu thụ, và tổng sản phẩm quốc dân. Con số GDP này có thể cung cấp một khái niệm đáng kể về mức nghiêm trọng của những khó khăn của nền kinh tế Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG