Đường dẫn truy cập

Cập nhật thông tin Olympic Bắc Kinh 2008


Trong lúc Trung Quốc đang chuẩn bị làm lóa mắt thế giới với màn trình diễn Olympic Bắc Kinh, có những vị khách không được mời nhưng đã đến khá sớm và đang đe dọa đến sự thành công của màn trình diễn. Tên riêng của những vị khác này thường không được viết hoa, như là 'tự do ngôn luận', và 'nhân quyền'.

Những vị khách này bắt đầu nhận được sự chú ý của dư luận khi mới đây tại châu Âu đã xảy ra những tranh luận về việc một số ủy ban Olympic của các quốc gia thuộc châu lục này ra lệnh cấm các vận động viên Olympic của họ nói đến nhân quyền và các vấn đề nhậy cảm khác khi đến tranh tại Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Tiếp đến, đạo diễn phim ảnh nổi tiếng Steven Spielberg của Hollywood tuần qua đã từ chức cố vấn nghệ thuật cho Olympic với lý do đưa ra là Trung Quốc chưa làm hết khả năng để thuyết phục chính phủ Sudan chấm dứt cuộc khủng hoảng Darfur; rồi các khôi nguyên giải Nobel và các nhà quán quân Olympic đã cùng phổ biến một thư ngỏ để kêu gọi Trung Quốc phải nỗ lực hơn nữa để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo này.

Những diễn biến này cho thấy cộng đồng quốc tế đang trông mong Bắc Kinh phải thể hiện một vai trò tích cực hơn đối với các vấn đề quốc tế chứ không chỉ đơn thuần là dùng đại hội Olympic để chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc đang nổi lên thành một siêu cường mới.

Những diễn biến phản đối hiện nay đã bắt đầu cho thấy kế hoạch được dàn dựng công phu của Thế Vận Hội của Bắc Kinh đang gặp phải những thách thức.

Các nhà phân tích tình hình chính trị quốc tế nhận định rằng một bên là những tham vọng về Olympic và một bên là những tiếng nói chỉ trích nhân sự kiện này có thể khiến cho Thế Vận Hội mùa hè năm nay trở thành một đại hội thể thao có những tranh chấp về chính trị gay gắt nhất. Chính trị đã từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kỳ Thế Vận Hội. Năm 1980 Mỹ đã dẫn đầu phong trào tẩy chay Olympic Mátscơva để phản đối việc Liên Xô xâm chiếm Afghanistan. Bốn năm sau đó, Liên Xô đã trả đũa bằng vụ tẩy chay Olympic 1984 được tổ chức tại Los Angeles của Mỹ.

Trước những diễn biến mới này, Chủ Tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế, ông Jacques Rogge đã lên tiếng rằng tổ chức của ông chỉ chú ý đến nhiệm vụ tổ chức Thế Vận Hội, chứ không tham gia vào nhiệm vụ giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông tại Pháp, ông Rogge nói rằng ông và các đồng sự trong ủy ban Olympic đều có những cảm nhận và quan điểm riêng về những vấn đề quốc tế, chẳng hạn như về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Darfur, nhưng nhiệm vụ chính của Uỷ Ban Olympic Quốc Tế là để tổ chức thành công các cuộc tranh tài thể thao của Thế Vận Hội, chứ không phải để giải quyết các vấn đề chính trị.

Ông Rogge nói tiếp rằng ông tôn trọng quyết định rút khỏi chức cố vấn cho Olympic của ông Spielberg, vì đó là quyền tự do của cá nhân đạo diễn đó.

Còn trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình BBC mới đây, Tổng Thống Bush nói rằng ông sẽ đến dự Olympic Bắc Kinh vào tháng 8 tới đây mặc dù có những tranh cãi về cuộc khủng hoảng Darfur.

Trong khi đó các quan chức chính phủ Trung Quốc và Sundan nói rằng họ lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi Olympic của đạo diễn Spielberg, nhưng họ tin chắc rằng quyết định đó sẽ gây ảnh hưởng không đáng kể đối với Olympic Bắc Kinh 2008.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG