Đường dẫn truy cập

Vấn nạn tảo hôn trên thế giới


Theo Quĩ Nhi Đồng LHQ thì tại các quốc gia đang phát triển có chừng 65 triệu phụ nữ trong hạn tuổi từ 20 đến 24 đã được gả bán trước tuổi 18. Trong số những phụ nữ này có 30 triệu người sống tại nam Á. Các giới chức của Quĩ Nhi Đồng LHQ nói rằng tại những quốc gia như Bangladesh và Nepal, hơn phân nửa những phụ nữ có chồng đã được gả bán trước khi họ tròn 18.

Một bức ảnh của Quĩ Nhi Đồng LHQ năm 2007 chụp một người đàn ông Afghansitan 42 tuổi tên Mohammad ngồi cạnh cô dâu mới của ông ta tên là Ghulam mới có 11 tuổi. Lý do của vụ gả bán này, theo như lời giải thích của cha mẹ cô bé Ghulam, là họ cần tiền.

Theo một phúc trình của LHQ về vấn đề tảo hôn, cha mẹ thường gả bán con gái của họ rất sớm vì một số lý do. Các gia đình nghèo coi con gái là một gánh nặng kinh tế, gả bán cô gái đó đi là một phương sách sinh tồn cho gia đình cô.

Các vụ tảo hôn cưỡng ép thường gây nên những thương tổn về mặt tình cảm và thể chất, và có thể là dẫn đến cái chết nữa.

Cô Torpekay, người Afghanistan, cư ngụ tại tỉnh Herat, đã được cha mẹ gả bán lúc mới 13 tuổi. Cô nói với đài Afghanistan Tự do rằng nỗi tuyệt vọng trong hôn nhân và lối đối xử của gia đình chồng đã đẩy cô tới mức toan tự thiêu.

Nữ dân biểu Betty McCollum, đại diện bang Minnesota đã đệ trình một đạo luật nhằm gia tăng nỗ lực của Hoa Kỳ để vận động cho việc chấm dứt nạn tảo hôn. Theo lời bà thì tảo hôn là một vi phạm nhân quyền.

Bà McCollum nói: "Tảo hôn tức là cưỡng dâm. Nó gây ra những vấn đề sức khỏe cho các thiếu nữ. Những phụ nữ đã trưởng thành đều nói rằng hãm hiếp là một hành vi bạo lực. Quí vị có thể tưởng tượng xem một em nhỏ 10, 11, 12 tuổi mà bị cưỡng hiếp thì sẽ như thế nào? Hành động này sẽ đặt em đó trước nguy cơ của một loạt các vấn đề, cả về thể chất lẫn tâm thần."

Nữ dân biểu McCollum nói rằng tảo hôn đã gây ra nhiều vấn đề trên khắp thế giới, và theo bà thì vấn đề này không chỉ giới hạn trong 1 nhóm tôn giáo mà thôi.

Bộ trưởng đặc trách các Vấn Đề Phụ Nữ tại Afghanistan, bà Masuda Jalal, nói rằng mặc dù tảo hôn là vi phạm hiến pháp Afghanistan nhưng Afghanistan vẫn còn tất cả mọi loại bạo hành nhắm vào phụ nữ và trẻ gái, như hôn nhân cưỡng ép, bạo hành trong gia đình, tảo hôn, và dàn xếp các vụ tranh chấp bằng hôn nhân cưỡng ép.

Theo bà Patricia Brister, đại diện Hoa Kỳ tại Ủy Ban LHQ đặc trách về Tình Trạng Phụ Nữ thì tảo hôn đã đặt các thiếu nữ trước những nguy cơ nghiêm trọng, kể cả cái chết trong khi sinh nở. Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia khác hãy cùng hợp sức trong nỗ lực chấm dứt nạn tảo hôn, một vi phạm nhân quyền mà không một thiếu nữ nào phải chấp nhận chịu đựng.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG