Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Châu Âu chấp thuận bản hiệp ước mới


Giới lãnh đạo Châu Âu họp tại Lisbon đã chấp thuận một bản hiệp ước có tính cách đột phá nhắm tinh giản và trao nhiều quyền hạn hơn cho định chế gồm 27 nước thành viên này. Từ Paris, TTV Lisa Bryant tường trình rằng văn kiện này là kết quả của một tiến trình thảo luận khó khăn và kéo dài rất lâu.

Bản hiệp ước mới của Liên Hiệp Châu Âu gồm những kế hoạch để bổ nhiệm một người điều hành công tác đối ngoại cho toàn thể Liên Hiệp, và một chủ tịch có tính cách thường trực hơn là hệ thống hiện nay trong đó chức vụ chủ tịch luân phiên được giao cho từng các nước thành viên mỗi sáu tháng. Văn kiện này cũng nhắm mục đích tinh giản tổ chức Liên Hiệp, bằng cách cắt giảm con số thành viên trong nghị viện Châu Âu và con số những quyết định của Liên Hiệp đòi hỏi phải được nhất trí biểu quyết.

Nói chung, văn kiện này nhắm mục đích cho Liên Hiệp Châu Âu một chính sách đối ngoại hữu hiệu hơn, quyền lãnh đạo mạnh hơn và lề lối đưa ra những quyết định mang tính cách dân chủ hơn.

Tuy nhiên, xem ra văn kiện này chưa đủ tham vọng khi so với bản hiến chương mà khối Liên Hiệp Châu Âu từng muốn phê chuẩn vào năm 2005. Pháp và Hà Lan đã bác bản hiến chương đó, làm cho nó không được thông qua.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, ông Gert Pottering, là một trong những người lên tiếng hoan nghênh bản hiệp ước mới, nói rằng nó giúp nhấn mạnh đến sự chuyển đổi lớn lao của Liên Hiệp qua nhiều năm tháng. Ông nói đến những thay đổi mà cá nhân ông từng được chứng kiến kể từ khi ông tham gia vào Nghị Viện Châu Âu năm 1979.

Ông Pottering nói: "Vào năm 1979, nghị viện Châu Âu hoàn toàn không có thực quyền, không có quyền lập pháp, và cho đến bây giờ thì nghị viện Châu Âu đảm nhiệm chừng 75% việc soạn thảo và biểu quyết các luật lệ của Liên Hiệp. Với việc thông qua hiệp ước cải cách này, một khi được đem ra thực thi, thì những quyết định chung sẽ gia tăng đến 100%. Điều này mang tính dân chủ hơn vì nó giao quyền cho nghị viện nhiều hơn, và cho chúng ta thêm khả năng có thể bảo vệ niềm tin, quyền hạn và ước vọng của các công dân trong Liên Hiệp Châu Âu."

Ông Pottering cũng ca ngợi một bản hiến chương mới về những quyền căn bản cho các công dân Liên Hiệp Châu Âu được soạn thảo cùng với bản hiệp ước này, mặc dù không phải là tất cả các nước thành viên đều đồng ý chấp thuận văn bản đính kèm.

Hầu hết các chính phủ trong Liên Hiệp nói rằng không cần đến một cuộc trưng cầu dân ý để phê chuẩn văn kiện này, mà thay vào đó, họ thiên về đường lối đem hiệp ước ra biểu quyết trong quốc hội tại mỗi nước. Chỉ có mỗi Ireland, theo hiến pháp nước này, chính phủ phải mở cuộc trưng cầu dân ý. Điều đó sẽ khiến cho bản hiệp ước mới của Liên Hiệp Châu Âu có phần chắc sẽ khó bị bác bỏ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG