Đường dẫn truy cập

Ai Cập bị cáo buộc vi phạm quyền tự do tôn giáo


Các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng hối thúc chính phủ Ai Cập hủy bỏ những hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo nhắm vào những người không thuộc một trong 3 tôn giáo được chính quyền thừa nhận. Từ Cairo, thông tín viên Challis McDonough của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây:

Bà Basma Moussa đã không có thẻ căn cước từ năm 2004 tới nay, đó là năm mà Bộ Nội vụ Ai Cập từ chối không cấp giấy chứng minh nhân dân cho bà vì bà không chịu cải đạo. Bà Moussa là người theo đạo Baha'i, một tôn giáo độc thần ra đời ở Iran hồi thế kỷ thứ 19.

Bà Mousa cho biết các giới chức chính phủ nói với bà rằng họ không được phép cấp thẻ căn cước cho những người không thuộc một trong ba tôn giáo mà họ gọi là "Đạo Trời", đó là Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do thái giáo.

Trong một bản phúc trình công bố hồi gần đây, hai tổ chức nhân quyền nói rằng: tuy hiến pháp Ai Cập bảo đảm tự do tôn giáo nhưng người dân lại không được cung cấp những dịch vụ cơ bản chỉ vì họ không phải là tín đồ của những tôn giáo được chính quyền thừa nhận.

Đồng tác giả của bản phúc trình vừa kể là ông Joe Stork, phó Giám đốc bộ phận Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

Ông Stork nói: "Luật lệ không đề cập gì tới việc dân chúng chỉ được theo đạo Hồi, đạo Cơ đốc hoặc đạo Do thái. Hoàn toàn không nói gì tới việc đó cả. Luật lệ về thay đổi thông tin trên thẻ căn cước chỉ nói rằng đương đơn chỉ cần điền thông tin mới. Quí vị không cần phải có sự chấp thuận của Bộ Nội vụ để làm như vậy...kể cả việc theo đạo nào. Luật lệ không có điều khoản ngoại lệ nào. Vì thế theo qui định của luật pháp, quí vị sẽ không gặp vấn đề nào cả."

Tuy nhiên, theo ông Stork, các giới chức bộ Nội vụ đã thi hành luật lệ dựa theo sự giải thích của họ đối với Luật Hồi giáo, và có hai nhóm người bị ảnh hưởng nặng nhất là những tín đồ Baha'i và những người bỏ đạo Hồi để theo đạo khác, thường là theo Cơ đốc giáo. Ông cho biết thêm như sau:

"Đây quả là một điều rất ngược ngạo. Các viên chức của bộ Nội vụ chẳng những không chịu cho người dân đăng ký tín ngưỡng thật sự của mình mà họ còn dùng những thủ đoạn như hối lộ, gây sức ép hoặc hăm dọa. Họ nói rằng chúng tôi sẽ đưa bà ra tòa về tội làm giấy tờ giả mạo nếu bà không chịu cải đạo để theo đạo Hồi, hoặc tiếp tục theo đạo Hồi."

Giấy khai sinh của dân chúng Ai Cập có ghi rõ tôn giáo và những công dân trên 16 tuổi phải có thẻ căn cước, trong đó có phần ghi là theo đạo nào. Trước đây, những người theo đạo Baha'i được phép ghi là 'theo đạo khác' hoặc để trống phần đó. Tuy nhiên, trong vài năm qua, các giới chức chính phủ đã từ chối không cấp giấy tờ cho những tín đồ Baha'i nếu họ không bỏ đạo.

Điều này đã mang lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Theo các nhà tranh đấu cho nhân quyền, nhiều người ở Ai Cập bị mất công ăn việc làm, mất chỗ ở, và nhiều trẻ em không được đi học. Bà Moussa cho biết trong số các thân nhân của bà có 5 đứa trẻ dưới 6 tuổi không được cấp giấy khai sinh.

Bà Moussa cho hay: vì không có giấy khai sanh mà các em đó không được chủng ngừa.

Chính sách này cũng tác động tới những người cải đạo từ đạo Hồi, kể cả những người được gọi là 'tái cải đạo', tức là những người lớn lên trong gia đình theo đạo Cơ đốc giáo và giờ đây muốn quay lại tín ngưỡng nguyên thủy của mình. Các giới chức Ai Cập không cho phép những người này tái cải đạo. Ngoài ra, khi người cha hoặc người mẹ cải đạo theo đạo Hồi thì con cái họ được ghi là người cải đạo, và đôi khi những đứa con không hay biết gì về việc này. Và nếu những đứa con đó tìm cách thay đổi phần ghi chú về tôn giáo của mình trên giấy tờ thì họ lại bị đối xử như là những người bỏ đạo Hồi ngay cả trong trường hợp họ chưa bao giờ là tín đồ Hồi giáo.

Chính sách vừa kể đang bị thánh thức trước tòa án và theo dự liệu, phán quyết sẽ được loan báo vào thứ 7 tuần này. Luật sư của nguyên đơn, ông Ramses El-Nagar cho biết: ông hy vọng sẽ giành được thắng lợi.

Ông El-Nagar nói: "Luật sư El-Nagar nói rằng ông yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết cho rằng những người cải đạo được quyền quay lại với đạo gốc của mình, và chính phủ cần thực thi những luật lệ hiện hành để bảo vệ quyền tự do tôn giáo."

Ông Hossam Bahgat, thuộc tổ chức có tên 'Sáng kiến Ai Cập cho Quyền Cá nhân', là đồng tác giả của bản phúc trình. Ông nói rằng chính sách hiện nay của chính phủ đi ngược với lời dạy 'chớ nên có hành vi ép buộc về tôn giáo' được ghi trong Thánh kinh Koran.

Theo ông Bahgat, chính sách này chẳng những vi phạm luật pháp Ai Cập và các luật lệ nhân quyền quốc tế mà còn đi ngược với Luật Hồi giáo.

Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Quốc gia, một cơ quan bán chính thức ở Ai Cập, đã lên tiếng yêu cầu giới hữu trách loại bỏ phần ghi chú về tôn giáo trên thẻ căn cước. Cơ quan này cũng hứa là sẽ soạn thảo một dự luật chống kỳ thị để chấp hành những điều khoản bảo vệ tự do tôn giáo đã được hiến pháp qui định.

Ông Joe Stork của Human Rights Watch cho rằng những diễn tiến vừa kể rất đáng khích lệ, nhưng chính phủ Ai Cập cũng cần phải làm thế nào để tín ngưỡng thật sự của người dân được phản ảnh trung thực trong các loại hồ sơ hay giấy tờ của nhà nước.

Bản phúc trình về tự do tôn giáo ở Ai Cập là kết quả của hai năm làm việc và các tác giả của văn kiện này cho biết họ đã nhiều lần viết thư yêu cầu được gặp gỡ các giới chức của Bộ Nội vụ nhưng không hề nhận được phúc đáp. Tuy nhiên, hôm thứ hai vừa qua, họ cho biết là rốt cuộc thì họ cũng đã lấy được một cuộc hẹn với một viên chức cao cấp của Bộ Nội vụ vào cuối tuần này. Họ hy vọng cuộc gặp gỡ đó sẽ mang lại kết quả tốt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG