Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện cho phép bà Aung San Suu Kyi gặp các thành viên trong đảng


Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập Miến Điện đang bị quản thúc, đã được phép gặp các thành viên trong đảng của bà lần đầu tiên trong vòng hơn ba năm qua. Theo các nhà phân tích, cuộc họp này không phải là một chỉ dấu cho thấy một sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền quân nhân.

Hôm nay, chính phủ quân nhân Miến Điện cho phép lãnh tụ phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi một dịp ít có là được ra khỏi ngôi nhà của bà ở thành phố Rangoon, và một cơ hội hiếm thấy hơn là được gặp các thành viên của Liên Minh toàn quốc đấu tranh cho Dân chủ của bà.

Bà Aung San Suu Kyi đã bị giam cầm hơn 12 năm trong 18 năm qua, và ít khi bà được cho phép liên lạc với thế giới bên ngoài. Bà đã bị quản thúc tại gia kể từ cuối tháng 5 năm 2003, và lần chót mà bà gặp những viên chức lãnh đạo của đảng bà là vào tháng 5 năm 2004.

Ông Nyo Myint, phát ngôn viên của một tổ chức chính trị của người Miến Điện ở Thái Lan có tên là Liên Minh Dân Chủ - Vùng Giải Phóng.

Ông nói rằng cuộc họp hôm nay tại một nhà khách của chính phủ ở thành phố Rangoon mang lại cho những người lãnh đạo đảng đối lập một cơ hội để cập nhật các hoạt động của họ với bà Aung San Suu Kyi, và để đưa ra những đề nghị về cuộc đàm phán có thể được thực hiện với chính phủ.

Ông Nyo Myint nói: “Bà Aung San Suu Kyi không thể tự quyết định, và vì vậy bà cần một quyết định của tập thể để mang lại hòa giải dân tộc cho người dân.”

Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi cũng có cuộc gặp riêng với ông Aung Kyi, một giới chức của chính phủ được chỉ định làm người liên lạc với bà. Ông Aung Kyi được giao phó công việc này sau khi cả thế giới lên tiếng chỉ trích sự đàn áp tàn bạo của chính phủ quân nhân Miến Điện nhắm vào các cuộc biểu tình đòi dân chủ.

Một người phát ngôn của Liên minh toàn quốc đấu tranh cho Dân chủ nói với các ký giả sau cuộc họp rằng bà Aung San Suu Kyi tin rằng các tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện có thái độ nghiêm túc về vấn đề hoà giải dân tộc.

Hôm qua, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Miến Điện, ông Ibrahim Gambari đã kết thúc chuyến công tác 6 ngày của ông ở nước này. Ông Gambari nói rằng ông đã giúp bắt đầu một tiến trình có thể dẫn tới 'một cuộc đối thoại có thực chất' giữa chính phủ và bà Aung San Suu Kyi.

Ông Gambari đã gặp bà Aung San Suu Kyi lần thứ nhì kể từ khi cuộc đàn áp xảy ra và sau đó ông đọc tuyên bố của bà Suu Kyi, trong đó bà nói rằng bà sẵn sàng đàm phán với chính phủ.

Ông Gambari đọc tuyên bố đó như sau: “Vì lợi ích của quốc gia, tôi sẵn sàng hợp tác với chính phủ để mang lại thành công cho tiến trình đối thoại.”

Tuy nhiên, người đứng đầu tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Miến Điện, Đại tướng Than Shwe đã từ chối không gặp ông Gambari, và chính phủ cũng từ chối lời đề nghị của ông Gambari nhận làm trung gian điều giải cho cuộc họp giữa các giới chức chính phủ với bà Aung San Suu Kyi.

Tuần trước, trong lúc ông Gambari sắp đến Miến Điện thì chính phủ ở đây đã ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ian Holliday, một chuyên gia về Miến Điện tại Đại học Hong Kong nói rằng có phần chắc là thái độ khoan nhượng của chính quyền quân nhân trong tuần qua chỉ nhắm vào mục đích tuyên truyền.

Giáo sư Holliday nói tiếp như sau: “Họ chỉ xử sự tốt ở một mức độ vừa đủ để cho thế giới để yên cho họ.”

Tuần tới, ông Gambari sẽ báo cáo về chuyến công tác của ông cho Hội Đồng bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG