Đường dẫn truy cập

Thái Lan lo ngại về làn sóng người tị nạn Miến Ðiện


Các cộng đồng sinh sống dọc theo vùng viên giới giữa Thái Lan và Miến Điện đang theo dõi sát các dấu hiệu về một đợt tị nạn mới sau khi xảy ra bạo động tại thành phố Rangoon trong tuần qua. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA, Chad Bouchard từ thị trấn Mae Sot ở biên giới Thái thì những người tị nạn và các giới chức tranh đấu nhân quyền đang tỏ ra lo ngại.

Tại trạm kiểm soát ranh giới của thị trấn Mae Sot được canh phòng nghiêm ngặt, khách bộ hành và các xe tải đi ngang qua cây cầu dài nối liền Thái Lan với Miến Điện.

Đoàn người đi bộ lũ lượt kéo nhau không ngừng đi qua lại trên cầu. Nhiều người vác những bao gạo hay những bao tải đựng đầy dưa hấu, và đậu đi bộ sang Miến Điện còn những người đi ngược lại thì mang theo những bao không.

Bên trong lãnh thổ Miến Điện, khu vực biên giới này là nơi sinh cư của khối người sắc tộc Karen, đã tranh đấu chống lại chế độ quân nhân độc tài từ nhiều thập niên.

Một người Karen làm việc cho một tổ chức tranh đấu nhân quyền ở Thái Lan, yêu cầu được giấu tên, nói rằng người tị nạn hy vọng có sự thay đổi, nhưng vẫn lo ngại về số phận của các thân nhân họ đang sống ở Miến Điện.

Theo lời người phụ nữ này, cả giới trẻ sinh trưởng ở nước ngoài và chưa từng đặt chân lên quê hương cũng cảm thấy ước muốn được trở về sau khi nghe và nhìn thấy những hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Rangoon và những thành phố khác:

“Những người trẻ tuổi này chưa từng đến Miến Điện, nhưng ngay lúc này họ đã nghe nói về những người đang sống ở quê nhà. Họ đang tìm cách để có được tư do và rồi ra sẽ có dân chủ, và họ hy vọng lần này có thể quay về nước. Tuy không cảm thấy chắc chắn, nhưng họ nôn nóng muốn quay về.”

Trong khi những người tị nạn có thể nôn nóng hậu thuẫn cho đồng bào ở bên kia biên giới, thì theo lời nhân viên tranh đấu nhân quyền vừa kể, cảnh sát Thái tìm mọi cách kiểm soát sinh hoạt chính trị ở địa phương. Bà cho biết, trong tuần rồi cảnh sát đã thắt chặt tình trạng an ninh, bắt giữ hằng chục di dân Karen bất hợp pháp và đưa họ trở về Miến Điện.

Hàng trăm ngàn người Miến Điện đang tị nạn tại các nước nằm sát biên giới nước này, một số người đã sống lưu vong hơn 20 năm.

Các cuộc biểu tình tại Miến Điện bắt đầu diễn ra cách đây hơn một tháng sau khi nhà cầm quyền tăng giá nhiên liệu, và sự chống đối trở nên mãnh liệt hơn sau khi các tu sĩ Phật giáo biểu tình tuần hành ngoài đường phố.

Ít nhất đã có 10 người thiệt mạng từ khi quân đội Miến Điện đàn áp các cuộc biểu tình từ hôm 26 tháng 9 vừa qua, nhưng các tổ chức nhân quyền và các nhà ngoại giao cho biết con số thương vong cao hơn nhiều.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG