Đường dẫn truy cập

Phát hiện 2 cơ sở sản xuất methamphetamine ở Campuchia


Hai phòng bào chế thật lớn thuốc kích thích Methamphetamine vừa dược khám phá tại Campuchia khiến người ta lo sợ rằng quốc gia này đang trở thành một trung tâm sản xuất các loại ma túy bất hợp pháp cho toàn khu vực. Nhà chức trách Campuchia nói rằng những chương trình bài trừ ma túy gắt gao hơn tại các nước láng giềng đã khiến việc sản xuất loại ma túy này chuyển sang Campuchia.

Phòng bào chế Methamphetamine vừa mới bị phát hiện tại quận Dangkor là vụ lớn nhất chưa từng có từ trước đến nay tại Campuchia.

Cảnh sát tại hiện trường đã tịch thu các máy móc dùng cho việc bào chế, 100 ngàn đô la tiền giả, súng ống và một lượng à Methamphetamine khổng lồ.

Theo cảnh sát cho biết thì phòng bào chế này được dùng để sản xuất và thí nghiệm các loại ma túy thuộc thế hệ mới có tiềm năng kích thích cao hơn.

Một siêu dược phòng cũng vừa được phát hiện mới đây trong tỉnh Kompong Speu ở phía tây thủ đô Phnom Penh, nơi thường được dùng để chế biến các nguyên liệu thô dùng cho việc bào chế methamphetamine.

Theo tin của cảnh sát thì họ đã khám phá được gần 4 tấn các hóa chất được dùng để chế ma túy, đủ để sản xuất hàng trăm ngàn viên mehtamphetamine.

Ông Lars Pedersen, giám đốc Văn Phòng Bài Trừ Ma Túy và Tội Ác của LHQ tại Campuchia nói:

"Chuyện này khiến cho Campuchia bị liệt vào hàng những nước đáng quan tâm hơn về tệ nạn ma túy. Giờ đây thì rõ ràng là ma túy đang được sản xuất tại Campuchia. Loại ma túy chính gây nghiện ngập ở xứ này và quá cảnh nước này để đi đến các nước khác, là methamphetamine."

LHQ cho hay 60% số người sử dụng methamphetamine hiện sống tại châu Á. 80% trong số này ở vào lứa tuổi dưới 26.

Nhân viên bài trừ ma túy nói rằng trước đây những tên buôn lậu ma túy chỉ dùng Campuchia làm điểm trung chuyển mà thôi. Hầu hết ma túy được chở từ Miến Điện và Lào bằng đường sông Mekong vào Campuchia để đưa sang Thái Lan và Việt Nam. Một số được chở đến những nơi xa hơn như Australia, Hoa Kỳ và châu Âu.

Ông Pederson cho biết những cơ sở sản xuất ma túy vừa bị khám phá mới đây tại Campuchia phản ánh vấn đề ma túy ngày càng trầm trọng hơn trong khu vực.

Ông Pederson nói: "Nói chung, đây là một phần của xu thế phát triển ngày càng tệ hại hơn trong khu vực này. Nhưng Campuchia còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa vì các hoạt động bài trừ ma túy ráo riết tại Thái Lan, do chính sách nghiêm ngặt hơn của chính phủ Thái Lan và Trung Quốc. Vì thế những cơ sở sản xuất lậu phải đi tìm một nơi khác, và Campuchia đúng là 1 địa điểm thay thế rất hấp dẫn."

Ông Robert Bruce thuộc công ty tư vấn GSM, làm việc với chính phủ các nước trong khu vực về vấn đề tiêu hủy các loại ma túy một cách an toàn. Ông nói rằng chính phủ Campuchia và những đối tác khác xứng đáng được ghi nhận công lao khi nhanh chóng hành động để tìm cách ngăn chặn việc sản xuất methamphetamine.

Ông Bruce nói: "Thật là chuyện không may cho Campuchia khi bị sử dụng làm trung tâm sản xuất ma túy. Nhưng đồng thời tôi lại thấy rằng việc chính phủ nước này gia tăng nỗ lực sớm để diệt trừ là một điều rất tốt. Hành động đó được các quốc gia và các tổ chức cấp viện và các chính phủ hỗ trợ trước khi tệ nạn này lan rộng hơn."

Ông Pederson, giám đốc Văn Phòng Bài Trừ Ma Túy và Tội Ác của LHQ tại Campuchia, nói rằng Methamphetamine sản xuất tại Campuchia đặt ra một mối đe dọa cho toàn thể các quốc gia trong khu vực.


Ông Pederson nói: "Chúng ta không nên quên rằng tệ nạn này có ảnh hưởng đến toàn thế giới, bởi vì số lượng ma túy không lồ mà chúng ta thấy được sản xuất ở đây không chỉ nhắm vào thị trường Campuchia, mà nó còn nhắm đến thị trường thế giới nữa."

Theo các quan chức bài trừ ma túy của LHQ thì cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nhân viên công lực và các viên chức chính phủ trong khu vực nếu muốn ngăn chặn hiểm họa của việc sản xuất, chuyên chở, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp loại thuốc gây nghiện methamphetamine.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG