Đường dẫn truy cập

Thành quả đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh APEC năm nay


Các nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái bình dương đã lên đường trở về nước sau cuộc họp thượng đỉnh ở Australia. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và nhiều nền kinh tế Á châu và Nam Mỹ kêu gọi thực hiện các nỗ lực mới nhằm cứu vãn vòng đàm phán mậu dịch Doha và cắt giảm việc thải khí có hiệu ứng nhà kính.

APEC ra đời cách đây gần 20 năm với mục đích phát huy mậu dịch tự do qua các nền kinh tế thuộc vành đai Thái Bình Dương. Như đã dự đoán, các nhà lãnh đạo dự cuộc họp thượng đỉnh mới nhất đã kêu gọi cấp thiết hành động để hồi sinh vòng đàm phán mậu dịch Doha đang bị đình trệ, và thảo luận việc thành lập một khối mậu dịch trong vùng. Một trong các nhà khởi xướng ra APEC vào cuối thập niên 1980, cựu thủ tướng Australia, ông Bob Hawke, cho rằng cuộc họp thượng đỉnh năm nay là một thành công lớn.

Ông Hawke nói: “Những nhân vật trên thế giới như Putin, Bush, và Hồ Cẩm Đào sẽ không đến nếu như họ không nhìn thấy tầm quan trọng trong các cơ hội do một cuộc họp như thế mang lại. Quy tụ được những nhà lãnh đạo này ở đây để nói chuyện với các nhà lãnh đạo của chúng ta không phải là chuyện dễ dàng và đó là điều chúng ta phải lấy làm hãnh diện.”

Bên lề hội nghị, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về khí hóa lỏng trị giá nhiều tỷ đôla với nước chủ nhà Australia, trong khi Nga đồng ý mua uranium của Australia. Bên trong các phòng họp, môi trường là một vấn đề chủ chốt.

Các nhà lãnh đạo đã ký “Tuyên ngôn Sydney” về vấn đề thay đổi khí hậu. Văn bản này quy định các mục tiêu dài hạn nhằm giảm thiểu các khí có hiệu ứng nhà kính mà một số nhà khoa học cho rằng đang góp phần làm tăng nhiệt trái đất. Không có những chỉ tiêu có tính cách bắt buộc.

Các mục tiêu về thay đổi khí hậu của APEC không mang tính cưỡng chế. APEC gồm 6 trong 10 nước thải khí carbon nhiều nhất thế giới và chiếm hơn phân nửa lượng tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu.

Những người ủng hộ thỏa thuận tại Sydney đã khẳng định là thỏa thuận này sẽ giúp Liên hiệp quốc xây dựng một khung sườn chống lại việc tăng nhiệt toàn cầu khi Hiệp ước Kyoto về thay đổi khí hậu hết hạn vào năm 2012.

Tuy nhiên, giới chỉ trích tin rằng Tuyên ngôn Sydney là vô giá trị và đã xác quyết rằng các mục tiêu mơ hồ sẽ không đạt được những sự cắt giảm cần thiết về việc thải khí có hiệu ứng nhà kính.Người dân ở Sydney đang phục hồi sau chiến dịch an ninh chặt chẽ nhất trong lịch sử Australia. Nhiều người đã chỉ trích các biện pháp an ninh nghiêm khắc.

Hàng chục cuộc biểu tình ồn ào đã được tổ chức bởi một liên minh lớn các tổ chức; từ những người vận động về sự thay đổi khí hậu cho đến những người chống đối cuộc chiến tranh tại Iraq.

Mặc dù có những lời cáo giác cảnh sát Australia là mạnh tay, nhiều viên chức cao cấp nói rằng biện pháp ‘thực tiễn” đó đã giữ cho Sydney được an toàn trong thời gian hội nghị APEC.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG