Đường dẫn truy cập

Báo chí viết về quan hệ Việt-Mỹ nhân dịp có đại sứ mới


Trên trang web Asia Sentinel, nhà báo Patrick Tan có bài về quan hệ Việt Mỹ, nhân dịp có đại sứ mới. Nhà báo Patrick Tan viết rằng ông Michael Michalak, tân đại sứ Hoa Kỳ đến Việt Nam với lời hứa hẹn thúc đẩy cải thiện nhân quyền và tăng cường quan hệ kinh tế.

Ông Michalak, nhà ngoại giao có 32 năm trong nghề, thay thế cho ông Michael Marine giữa lúc có những căng thẳng về cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến.

Trong 3 năm tại Hà Nội, cựu Đại sứ Marine chứng kiến những quan hệ thương mại song phương tăng trưởng, nhưng vào lúc ra đi, ông nói rằng thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam là một thất vọng lớn đối với ông.

Mặc dù có thất vọng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, lôgic về quan hệ chiến lược và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chắc chắn sẽ bảo đảm cho việc mở rộng quan hệ giữa hai nước từng là cựu thù này.

Trong một phúc trình đưa ra hồi gần đây, tổ chức nghiên cứu Henry Stimson ở Washington ghi nhận rằng, chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush tại Đông Nam Á được dựa trên sự giả định rằng khu vực này phải được duy trì là một khu vực hòa bình, ổn định, có tăng trưởng kinh tế, tương đối tự do và cởi mở, đồng thời được xem là khu vực có ưu tiên tương đối thấp, cho các quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ.

Việt Nam hiện nay ăn khớp với chính sách đó. Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thương mại song phương được trông đợi lên đến 15 tỉ đôla vào năm 2010. Đứng trên quan điểm trường kỳ, quan hệ giữa hai nước cựu thù đã tăng trưởng đáng kể, sau khi nối lại bang giao vào năm 1995.

Tháng 6 năm ngoái, trong lúc bênh vực cho chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Eric John, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách Đông Á Thái Bình Dương xác nhận những ưu tiên về chính sách với Việt Nam trong những tháng và những năm sắp tới là tiếp giao tiếp sâu hơn nữa qua nhiều lĩnh vực, trong đó có trao đổi giáo dục và kể cả quan hệ quân sự.

Mặc dù chính sách đã đề ra, nhất định chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc Việt Nam có những tiến bộ cụ thể về tự do tôn giáo và chính trị; được xem là trở ngại chính trên con đường quan hệ song phương. Các vụ bắt giữ những nhà hoạt động chính trị trong năm vừa qua đã buộc chính quyền của Tổng Thống Bush phải có thái độ cứng rắn hơn đối với thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Ví dụ, Hạ Viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị biểu quyết dự luật cấm toàn bộ các viện trợ không có tính cách nhân đạo cho Việt Nam. Mặc dầu mấy năm trước đây Thượng Viện Hoa Kỳ đã bác bỏ dự luật tương tự; nhưng sự kiện Hạ Viện muốn trình dự luật này lại, đã phản ánh mối lo ngại là chính phủ Việt Nam đang định đảo ngược tiến bộ về cởi mở chính trị.

Các vụ bắt giữ và giam cầm các nhà hoạt động chính trị đang làm giảm bớt những tin vui về quan hệ 2 nước trong 12 tháng qua. Năm ngoái, vào thời gian sắp sửa có đại hội đảng cộng sản, báo chí trong nước được bật đèn xanh để mang ra bàn những đề tài nhạy cảm, kể cả dân chủ. Lúc đó cũng bắt đầu nẩy mầm phong trào dân chủ với sự ra đời của Khối 8406.

Các hiện tượng này tạo cho người ta cái cảm tưởng những biện pháp kiểm soát về chính trị đã được nới lỏng. Trước khi có hội nghị cấp cao APEC ở Hà Nội, Việt Nam lại được rút tên khỏi danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Và khi đến Hà Nội dự hội nghị APEC, Tổng Thống Bush ca ngợi Việt Nam là nước đang ở đúng vị trí của một quốc gia hùng mạnh và sinh động.

Vậy mà sau khi tiễn các khách dự APEC ra về, bộ máy công an bắt đầu ra tay. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch gọi đây là một trong những chiến dịch tệ hại nhất từ 20 năm qua, nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến có thái độ ôn hòa.

Để tỏ thái độ, Dân Biểu Earl Blumenauer xin thôi chức vụ Chủ Tịch nhóm Dân Biểu ủng hộ Việt Nam, và phát biểu rằng lâu nay ông vẫn giữ tình bạn nhất quán với Việt Nam, nhưng ông không thể đánh đổi sự ủng hộ này với chuyện vi phạm nhân quyền.

Tổng Thống Bush cũng nêu vấn đề nhân quyền khi tiếp Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 6. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng muốn cho quan hệ 2 nước tăng trưởng sâu rộng hơn, các bạn hữu của Hoa Kỳ cần hiểu rằng họ phải cam kết tôn trọng nhân quyền, tự do và dân chủ.

Khi ra trình bày trước Thượng Viện để được phê chuẩn, tân Đại sứ Michalak nói rằng nhân quyền và tình trạng vi phạm của chính phủ Việt Nam hiện nay chắc chắn là điều cần quan tâm. Khi nói câu đó, nhất định là ông Michalak đã nhận được lời tư vấn của người tiền nhiệm.

Thật vậy, hồi tháng tư, trong lúc các vụ bắt bớ đang tiếp diễn, cựu Đại sứ Marine công khai nói rằng Việt Nam cần phải có động thái để cho người dân của mình có một mặt bằng rộng rãi hơn nhằm bày tỏ ý kiến, đứng ra thành lập tổ chức để giải quyết những vấn đề quan tâm, và tham gia vào việc đeo đuổi những trách nhiệm thực sự, trong đó, cuối cùng họ sẽ được quyền chọn lựa người lãnh đạo và người đại biểu.

Trong buổi họp báo cuối cùng ở Hà Nội, ông Marine còn nói rằng có lẽ sự thất vọng lớn nhất của ông tại Việt Nam là đã không thể nới rộng được không gian đối thoại chính trị.

Vài ngày trước khi đến Việt Nam, tân Đại sứ Michalak tuyên bố ông sẽ ra sức vận động để tình hình nhân quyền được nới rộng và phát huy quan hệ kinh tế giữa 2 nước. Ông cũng nói trong thời gian phục vụ, ông sẽ cố gắng tăng gấp đôi số sinh viên Việt Nam du học Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, đối với những người đang cai trị tại Việt Nam, sinh viên đi học ở nước ngoài có thể tiêm nhiễm những tư tưởng mà họ gọi là độc hại. Một mặt họ cần những người có tình độ cao, một mặt họ lại sợ các du học sinh trở về lại hô hào dân chủ theo kiểu phương Tây. Điều đó có nghĩa là mục tiêu chiến lược của các cuộc trao đổi văn hóa, giáo dục; mà Hoa Kỳ trông đợi, sẽ khó lòng xảy ra trong một sớm một chiều.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG