Đường dẫn truy cập

Ứng cử viên tổng thống Đài Loan thăm Ấn Ðộ


Một chính trị gia nổi tiếng của Đài Loan đang thực hiện một chuyến đi Ấn Độ chưa từng có từ trước đến nay. Đây là chuyến đi đầu tiên kể từ khi tướng Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng đến Ấn Độ trong 2 tuần lễ vào năm 1942. Ứng viên ra tranh cử tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu cũng thuộc Quốc Dân Đảng đang tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh rằng không nên để cho quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Bắc Kinh gây trở ngại cho các quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa cường quốc trong vùng Nam Á này với nền kinh tế hùng mạnh của đảo quốc Đông Á.

Mặc dù Ấn Độ gọi chuyến đi thăm này là có tính cách riêng và không chính thức, sự hiện diện của ứng cử viên tổng thống Mã Anh Cửu tại thủ đô Ấn Độ vẫn được coi là quan trọng đối với cả Đài Bắc lẫn New Delhi.

Từng giữ chức thị trưởng Đài Bắc, ông Mã Anh Cửu là viên chức cấp cao nhất của Đài Loan đi thăm Ấn Độ kể từ khi Quốc Dân Đảng bỏ chạy khỏi Hoa lục vào năm 1949.

Trong chuyến thăm 2 ngày này, ông Mã đã dự định mở các cuộc họp với người đứng đầu đảng Quốc Đại đang cầm quyền là bà Sonia Gandhi, cũng như các nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu. Ông cũng đã gặp một số nhà quản trị kinh doanh của Ấn Độ.

Trong bài phát biểu với các nhà ngoại giao hồi hưu của Ấn Độ, ông Mã nói rằng không nên để cho việc New Delhi thừa nhận Bắc Kinh cản trở việc cải thiện các quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Đài Loan.

Ông Mã nói: “Bang giao thương mại giữa Hoa Lục và Đài Loan là một mối bang giao bình thường do đầu tư thúc đẩy. Tôi không thấy lý do tại sao lại không thể có một mối bang giao như thế giữa Đài Loan và Ấn Độ.”

Tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều giữa Đài Loan và Ấn Độ lên tới 3 tỷ đôla so với 100 tỷ đôla giữa Đài Loan và Hoa lục. Chỉ có 24 quốc gia thừa nhận Đài Loan. Đài Loan đã bị mất ghế tại Liên Hiệp Quốc về tay Bắc Kinh vào năm 1971. Hiện nay, hơn 170 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao cho rằng Ấn Độ đã sắp xếp cho chuyến thăm của ông Mã theo một cách không xúc phạm đến Bắc Kinh. Về phía mình thì Trung quốc đã tuyên bố không phản đối chuyến đi của ông Mã nếu ông không trưng bầy các biểu tượng của Đài Loan.

Năm 2001, Ấn Độ đã không cho phép phó tổng thống Đài Loan đến thăm để phân phát cứu trợ động đất.Nêu ra điểm ông là nhà lãnh đạo Quốc Dân Đảng đầu tiên đi thăm Ấn Độ từ hơn 60 năm nay, ông Mã Anh Cửu ca ngợi các giới chức Ấn Độ về điều mà ông gọi là tính thực tiễn.

Ông Mã nói: “Chắc chắn chúng tôi rất biết ơn cơ hội được đến đây, nhất là trong tư cách một ứng viên ra tranh cử tổng thống. Đây là một vai trò rất tế nhị. Nhưng mặt khác, tôi cũng biết ơn thái độ thực tiễn của Ấn Độ trong việc này.”

Chuyến thăm được hoạch định trước khi bùng ra một cuộc tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đã bãi bỏ các kế hoạch gửi thêm hơn 100 công nhân viên chức đến Trung Quốc sau khi Bắc Kinh từ chối không cấp thị thực cho một viên chức của bang Arunachal Pradesh, là nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ.Bang giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã được cải thiện từ nhiều thập niên sau cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1962.

Người dự trù sẽ là đối thủ chính của ông Mã Anh Cửu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3 năm 2008 là ông Tạ Trường Đình của đảng Dân Tiến sẽ đi thăm Tokyo vào tuần tới trong tư cách trưởng phái đoàn đại diện cho đương kim tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển. Ông Tạ cũng dự định một chuyến thăm Hoa Kỳ trong 11 ngày vào tháng tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG