Đường dẫn truy cập

Tỉ lệ cử tri đi Việt Nam đi bầu quốc hội đạt 99%


Hôm chủ nhật vừa qua cử tri Việt Nam đã đi bầu đại biểu Quốc hội – một cơ quan ngày càng có ảnh hưởng tới các chính sách của chính phủ – trong một cuộc bầu cử do đảng Cộng sản kiểm soát.

Từng được xem là một cơ quan chỉ có nhiệm vụ đóng dấu đỏ, Quốc hội với 500 đại biểu đã bắt đầu tự khẳng định hơn trong những năm gần đây. Các thành viên đã bắt đầu chất vấn các vị bộ trưởng một cách gay gắt hơn và quốc hội đã xem xét các dự thảo luật được các cơ quan chính phủ đệ trình một cách kỹ lưỡng hơn. Quốc hội cũng đã coi việc chống tham nhũng, một tệ nạn đang lan tràn tại Việt Nam, là ưu tiên hàng đầu.

83% các ứng viên là đảng viên và những ứng viên không phải đảng viên đã được Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam xét duyệt kỹ. Mặc dù có 30 ứng viên tự ứng cử, nhưng không một đảng chính trị nào khác được phép tham gia vào cuộc bầu cử này.

Ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội cho biết “Quốc hội đang ngày càng gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ, tuy nhiên cuộc bầu cử không phải là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình thay đổi chính trị ở Việt Nam”.

Một cử tri 60 tuổi, ông Trương Văn Trường, nói rằng ông hy vọng quốc hội mới sẽ có những bước mạnh mẽ hơn trong việc chống tham nhũng.

Bản tin hôm thứ hai của DPA trích thuật nguồn tin từ trang web của chính phủ cho biết tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99%. Tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam đã báo cáo số cử tri, trừ 6 tỉnh, Tỉnh Vĩnh Long có số cử tri đi bầu cao nhất đạt 100%.

Trong khi đó bản tin của AP cho biết các thành viên trong gia đình thường đi bầu hộ cho nhau, vì vậy nhiều cử tri có bỏ phiếu mà không cần phải đến các phòng phiếu.

Cô Nguyễn Hoàng Yến, 36 tuổi cho biết cô chưa bao giờ đi bầu cử, thường thì cha cô bỏ phiếu cho cả 4 người trong gia đình.

Trong khi nhiều người dân thường Việt Nam chỉ quan tâm tới công việc và gia đình hơn là chính trị, chính phủ Việt Nam đã cố gắng hết sức để khiến họ quan tâm.

Chính phủ Việt Nam tuyên bố trên truyền thông nhà nước rằng cuộc bầu cử quốc hội là một dấu mốc dân chủ ở Việt Nam và hối thúc mọi người dân đi bầu cử trong nhiều tuần lễ trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Các nhóm đối lập cả trong và ngoài nước thì gọi cuộc bầu cử là vô nghĩa và đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này. Trong những tháng gần đây, giới hữu trách Việt Nam đã bắt giữ hàng chục nhà hoạt động chính trị, truyền thông nhà nước cáo buộc họ có âm mưu phá hoại cuộc bầu cử bằng việc thành lập các đảng đối lập bất hợp pháp.

Các kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào ngày 9 tháng 6.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG