Đường dẫn truy cập

Người Mỹ đến viếng cựu tổng thống Ford lần chót


Người dân Mỹ đã tới viếng linh cữu cựu tổng thống Ford một lần chót tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ trước khi cử hành tang lễ chính thức ngày hôm nay ở thủ đô Washington.

Vào một ngày thứ hai bình thường thì sảnh đường tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ đầy những tiếng động.

Nhưng hôm qua không phải là một ngày thứ hai bình thường. Tiếng động duy nhất là những lời thì thầm thi thoảng và tiếng vang của những bước chân đi trên sàn bóng loáng.

Từng người một, dân chúng Mỹ đã thầm lặng tỏ lòng thành kính với ông Gerald Ford. Vào ngày này, các tổng thống và đệ nhất phu nhân – trong quá khứ và hiện tại – đã bước vào căn phòng dưới mái vòm trắng của tòa nhà trụ sở Quốc hội và dừng lại cạnh quan tài phủ quốc kỳ. Họ nằm trong dòng người dường như vô tận gồm từ các bậc cha mẹ đi cùng với các em bé cho đến những người già cả yếu ớt phải đi lại bằng xe lăn.

Tổng thống Bush và phu nhân Laura đã đến trụ sở Quốc hội chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi từ trang trại Texas trở về thủ đô Washington. Thân phụ và thân mẫu của tổng thống, cựu Tổng thống George Bush và phu nhân Barbara Bush cũng đến nơi ít lâu sau đó.

Các nhân vật quan trọng đến rồi đi, nhưng phần lớn, ngày này là dành cho công chúng, cho những người đã xếp hàng dưới trời mưa giá buốt bên ngoài tòa nhà Quốc hội để chờ dịp được đến viếng vị tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ.

Các sử gia thường nói đến ông Gerald Ford như một vị tổng thống bất đắc dĩ. Ông tự coi mình là một người thuộc Hạ viện và đã phục vụ tại đó nhiều thập niên trước khi được tổng thống Richard Nixon chọn để thay thế ông Spiro Agnew vào nào 1973, là người đã từ chức giữa một vụ tai tiếng.

Năm sau đó, vụ Watergate lại buộc tổng thống Nixon phải từ chức, và phó tổng thống Ford lên đảm nhận chức vụ cao nhất nước. Ông được đón mừng như một người có thể giúp đoàn kết và giúp hàn gắn quốc gia sau một thời kỳ chia rẽ sâu xa. Nhưng quyết định đặc xá cho ông Nixon đã gây tranh cãi và có thể đã khiến ông mất đi cơ hội duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1976.

Trong khi đứng đợi bên ngoài tòa nhà Quốc hội cùng với người anh để được vào viếng ông Gerald Ford, ông Dan Merriman, người ở thành phố Alexandria trong bang Virginia đã hồi tưởng lại những ngày đó.

“Tôi nghĩ rằng di sản của ông là ông đã đoàn kết được dân tộc vào một trong những thời điểm gay go nhất của lịch sử. Tại nhiều nước, những hoàn cảnh chuyển quyền như thế sẽ đưa đến cách mạng, lật đổ chính quyền hay đảo chính, nhưng tình hình đó đã không xảy ra ở đây, phần lớn là nhờ ảnh hưởng trầm tĩnh của ông Gerald Ford, và sự lãnh đạo vững chắc của ông vào giai đoạn đó.”

Gần đó, cô Elizabeth Foley cũng đứng xếp hàng dưới trời mưa tháng giêng. Cô chưa ra đời khi ông Gerald Ford lên làm tổng thống, nhưng cô đã theo học trung học ở Winston-Salem trong bang North Carolina cùng với một trong những người cháu gái của ông Ford. Cô nói rằng khi cô nhớ đến thời của tổng thống Ford, thì cô lại chạnh nghĩ đến vụ ân xá ông Nixon.

“Tôi có cảm giác lẫn lộn vì một mặt thì ông đã giúp đất nước vượt qua được cuộc xung đột, nhưng mặt khác, lẽ ra đó có thể là một cơ hội thực sự để truy tố một người đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng khi tại chức.”

Thủ đô Washington sẽ tiễn biệt ông Gerald Ford lần cuối bằng một tang lễ chính thức tại Giáo đường Quốc gia, cách Tòa Bạch Ốc vài kilomet. Ông Ford sẽ được mai táng vào ngày mai trong khuôn viên Bảo tàng viện Gerald Ford ở quận bầu cử Quốc hội xưa kia của ông tại Grand Rapids, thuộc tiểu bang Michigan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG