Đường dẫn truy cập

Doanh nghiệp nước ngoài kêu gọi VN làm sáng tỏ hệ thống pháp lý


Hôm thứ tư, các tổ chức doanh thương nước ngoài đã ca ngợi Việt Nam, một thành viên WTO trong nay mai, về sự tăng trưởng kinh tế vượt bực, nhưng kêu gọi chính phủ phải làm sáng tỏ những luật lệ lờ mờ, chống nạn tham ô và cải thiện hạ tầng cơ sở.

Tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam dự kiến sẽ lên đến 8% trong năm nay; đó là tỷ lệ cao nhất ở Châu Á, sau Trung Quốc. Sự kiện này thu hút nhiều sự chú ý đến quốc gia 84 triệu người, đông dân thứ nhì ở đông nam Châu Á, sau Indonesia.

Các tổ chức doanh thương hy vọng sẽ tiếp cận được thị trường nhiều hơn khi Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 11 tháng giêng sắp tới.

Với tư cách là thành viên thứ 150 của WTO và với các quan hệ thương mại vừa được bình thường hóa vĩnh viễn với Hoa Kỳ, Việt Nam trông đợi một đợt sóng đầu tư mới, đạt kỷ lục 9,5 tỷ đôla trong năm nay, theo lời ông Võ Hồng Phúc, bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam nhóm tại Hà Nội hôm thứ tư, các công ty và tổ chức phát triển nước ngoài ca ngợi các thành quả, nhưng cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam đẩy mạnh các cải cách nếu không muốn mất nhiều quyền lợi đang mong đợi.

Một cuộc thăm dò do Diễn đàn thực hiện với 200 công ty tại Việt Nam, 3 phần tư là nước ngoài, đã đánh giá môi trường đầu tư là “tạm được,” và không khá hơn so với năm trước, một phần vì những bất định trong việc thực thi các luật lệ của WTO.

Những người trả lời thăm dò tán dương địa điểm chiến lược, sự ổn định chính trị, và quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhưng cho điểm thấp về việc bảo vệ tác quyền trí thức, tính cạnh tranh trong khu vực, cơ sở hạ tầng và hệ thống pháp lý.

Cả các triển vọng cùng với các mối quan ngại đều được nêu lên trong một cuộc thăm dò các công ty Nhật do Ngân Hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện, trong đó Việt Nam vượt trên Thái Lan và chiếm vị trí nước đầu tư được ưa chuộng nhất sau Trung Quốc và Ấn Ðộ.

Việt Nam được coi là hấp dẫn bởi vì lực lượng lao động rẻ, tiềm năng phát triển thị trường và là một địa điểm thay thế cho đại lân quốc Trung Hoa, nhưng các mối quan ngại chính tập trung vào cơ sở hạ tầng yếu kém và một hệ thống pháp lý thiếu minh bạch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG