Đường dẫn truy cập

Công tác thiện nguyện trở thành một phần của lối sống tại Hoa Kỳ


Tại Hoa Kỳ, làm công tác thiện nguyện đã trở thành một phần của lối sống Mỹ. Trong năm 2005, gần như 1/5 dân chúng Hoa Kỳ tham gia các sinh hoạt thiện nguyện. Hơn 8 triệu người trong số này ở độ tuổi từ 18 đến 24. Biên tập viên Barry Unger của đài VOA ghi nhận một số chi tiết về những sinh viên đại học làm công tác thiện nguyện trong vùng thủ đô Washington. Minh Phượng thuật lại trong Câu Chuyện Phụ nữ ngay sau đây.

Mọi việc khởi đầu không được êm xuôi cho cô Virginia, sinh viên năm thứ nhất tại trường đại học American University, vào ngày mùa hè nóng bức này. Cô đang tìm cách nối một ống nước vào cái vòi ở ngoài trời, và nước phun ra tung tóe.

Cô Virginia nói rằng vòi nước không chịu tắt, và cô không biết làm sao để tắt nước đi.

Cô Virginia là một trong các sinh viên đại học làm công tác thiện nguyện tại trường tiểu học Bancroft ở thủ đô Washington. sau khi giải quyết xong chuyện vòi nước thì những người thiện nguyện nhận một số chỉ thị và sẵn sàng thi hành công tác.

Họ đang tự nguyện làm việc ở đây trong 3 ngày trong khuôn khổ chương trình Kinh Nghiệm Dịch Vụ Tân khoa. Hơn 520 sinh viên vừa vào học tại trường đại học American University đã tự nguyện tham gia chương trình. Họ làm công tác cộng đồng trong khắp vùng thủ đô Washington ngay trước khi nhập học.

Cô Carolyn Phenicie là sinh viên năm thứ nhì ở trường đại học American University. Cô đã tham gia chương trình hồi năm ngoái và là trưởng toán công tác tại trường tiểu học Bancroft năm nay.

Cô Phenicie cho biết toán công tác đang đào mương, trải sỏi để tìm cách cách giải quyết vấn đề ngập nước khi trời mưa.

Bà Iris Rothman chuyên làm công tác thiện nguyện cho cộng đồng đã giúp tổ chức toán công tác tại trường Bancroft.

Bà Rothman tỏ ý khen ngợi các thành viên trong toán công tác làm việc dưới trời nóng bức mà không than thở gì.

Trường tiểu học Bancroft là một trong 44 địa điểm tham gia vào chương trình năm nay. Các học sinh cũng làm việc tại các trung tâm đa văn hóa, các ngân hàng thực phẩm và nhiều nơi khác nữa.

Trường đại học American University đã tổ chức chương trình này trong 15 năm qua. Ban tổ chức cho biết chương trình đã cung cấp cho học sinh một hình thức giáo dục mới. Bà Marcy Fink Campos là Giám đốc Dịch vụ Cộng đồng tại trường American University.

“Các học sinh vừa vào trường sẽ sống 4 năm tại đây. Và trong khi việc học hành chiếm một phần quan trọng, chúng tôi muốn các em biết là các em đang sống ở thủ đô. Các em sống ở một nơi có rất nhiều mối quan tâm, vấn đề và nhu cầu, giống như mọi khu vực đô thị khác. Và cách tốt nhất để tìm hiểu về đời sống đó không phải là qua sách vở, mà là phải đi vào các cộng đồng, tìm hiểu xem khu vực bất vụ lợi đang làm gì, các nhà thờ đang làm gì, và những gì đang xảy ra trong các trường học.”

Trở lại trường tiểu học Bancroft, các sinh viên đang đắm mình trong công việc.

Cô Caitlin Green, sinh viên năm thứ nhất, nói rằng giá trị của công tác phục vụ cộng đồng là điều cô đã học được từ lúc còn ở nhà.

Cô Green cho biết cô xuất thân từ một gia đình trung lưu và gia đình luôn tìm cách để cho cô hiểu rõ cô may mắn như thế nào. Gia đình cô luôn khuyến khích cô tham gia vào công tác phục vụ cộng đồng bởi vì chính gia đình cô đã và đang tham gia các sinh hoạt này.

Nhưng không phải tất cả các học sinh tự nguyện đều được quyền chọn lựa. Tiểu bang Maryland miền đông Hoa Kỳ đòi hỏi tất cả học sinh trung học phải tham gia công tác cộng đồng thì mới được tốt nghiệp. Các học khu trên khắp nước cũng có chính sách tương tự.

Sinh viên trường American University có phản ứng khác nhau về công tác phục vụ cộng đồng có tính cách bắt buộc này.

Cô này nói rằng đây là việc bắt buộc ở nhiều trường và mọi người thích việc này. Cô không cho đó là một khái niệm dở, và các trường học nên quảng bá tinh thần tự nguyện nhiều hơn.

Cô này nêu nhận xét rằng nhiều người coi đó như một bổn phận, một việc mà họ phải làm, chứ không phải là một việc mà họ thích làm.

Bà Julie Howard là người tự nguyện làm phối hợp viên cho Greater DC Cares, một trung tâm thiện nguyện ở vùng thủ đô Washington. Bà nói rằng chính sách tự nguyện bắt buộc đã giúp tăng cường công tác tự nguyện thanh niên.

“Chúng ta có cả một nhóm người vừa tốt nghiệp trung học này. Một nhóm người thích làm việc thiện nguyện và đã suốt đời làm công việc đó. Do đó mà họ tiếp tục làm công tác ấy trong suốt thời gian ở đại học. Họ tiếp tục sau đại học. Và đó là một cách tuyệt hảo để họ có thể đền ơn cho cộng đồng.”

Sau cả ngày giúp các giáo viên tổ chức lớp học, sinh viên tại trường Bancroft lại trở ra ngoại tiếp tục làm việc. Trưởng toán Carolyn Phenice rất cảm kích trước công việc của các sinh viên năm thứ nhất.

Cô Phenicie lấy làm hãnh diện về các em sinh viên. Những cô gái thể chất không lớn mà vác những bao xi măng cả 40 kí, đào hố và chịu lem luốc.

Cô Phenicie và nhiều sinh viên khác đã tỏ ý muốn tiếp tục công tác phục vụ cộng đồng tại trường tiểu học Bancroft trong suốt năm học này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG