Đường dẫn truy cập

Chính sách và thách thức về y tế Việt Nam đang phải đối phó


Trong tuần qua, một phái đoàn Việt Nam do bộ trưởng Y Tế Trần Thị Trung Chiến dẫn đầu đã đến thủ đô Washington để ký kết một hiệp định song phương trong lãnh vực y học nhắm mục đích đẩy mạnh thêm công cuộc hợp tác trong các vấn đề liên quan đến y tế. Nhân dịp này bà đã dành cho ban Việt ngữ đài TNHK cuộc phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách và những thách thức về y tế mà Việt Nam phải đối phó. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương:

Việt Nam hiện còn là một nước nghèo và có rất nhiều những vấn đề khó khăn trong lãnh vực y tế cần phải khắc phục. Những dịch bệnh mới đây mà Việt Nam đã trải qua và đã khống chế được tính cho tới bây giơ,ø là bệnh SARS và bệnh cúm cầm điểu. Tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn và thử thách khác mà bà Bộ Trưởng Y Tế Trần Thị Trung Chiến đã nêu lên trong câu chuyện với ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ:

Cái bức xúc nhất hiện nay đối với Việt Nam chúng tôi trong các hoạt động y tế thứ nhất là chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. Cái thứ hai là ngăn chặn những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đối với tình hình sức khỏe của nhân dân. Việt Nam chúng tôi là một nước ở nhiệt đới, mà môi trường va øđiều kiện sống còn rất khó khăn, vì vậy có một số dịch bệnh tiềm ẩn; nếu không tiếp tục khống chế và ngăn chặn thì có thể bùng phát trong một gnày nào đó nếu điều kiện môi trường thuận lợi, ví dụ như dịch sốt xuất huyết, dịch tả, thương hàn, viêm não, v..v., đó là một thách thức đối với Việt Nam chúng tôi. Vì vậy chúng tôi cố gắng mở rộng các loại vắc xin để bảo vệ, phòng ngừa cho nhân dân, đặc biệt là đối với trẻ em. Cái thứ hai mà tôi nói là khám chữa bệnh cho người nghèo là cái bức xúc hiện nay thì chính phủ Việt Nam đã có quyết định 139 là chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, tất cả những người nghèo trong một tiêu chí đưa ra thì đều được bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh không phải mất tiền, thứ hai, đối với trẻ em 6 tuổi, nhà nước cũng chi trả ngân sách để chi phí cho việc khám chữa bệnh cho các em. Nhưng thêm một cái khó hiện nay của chúng tôi là trang thiết bị cho cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cũng rất là khó khăn để làm thế nào cho những người nghèo tiếp cận được các dịch vụ một cách thuận lợi nhất, có chất lượng và từng bước tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao. Đố là cái thách thức thứ hai. Cái thách thức thứ ba hiện nay là cái cơ cấu bệnh tật của Việt Nam thay đổi, có những cái bệnh giống như là của các nước phát triển, vì vậy chi phí rất là lớn, ví dụ như bệnh tim mạch hiện nay gia tăng vì tuổi thọ của Việt Nam hiện nay là 71,3 tuổi.

Chúng tôi phấn đấu để 2010 tuổi thọ phải đạt 72 tuổi. Như vậy cơ cấu bệnh tật thay đổi, trong đó thì có chấn thương, tim mạch,tiểu đường và một số các bệnh khác, vì vậy chi phí rất là lớn, do đó điều kiện để chăm sóc cho những người nghèo thì hết sức là khó khăn.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia được Hoa Kỳ viện trợ để phòng chống HIV/ AIDS. Chương trình viện trợ có tên là Kế Hoạch Khẩn Cấp của Tổng Thống gọi tắt là PEPFAR để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh HIV/AIDS lại có một số đòi hỏi, tuy việc áp dụng với Việt Nam được nới lỏng hơn là đối với một số các quốc gia khác được thụ hưởng. Một trong những đòi hỏi đó là cổ vũ cho nguyên tắc tiết chế, trung thành với một người bạn tình, chứ không cổ xúy cho việc xử dụng các phương pháp phòng ngừa trong các quan hệ tính dục ngoài hôn nhân hay với nhiều người, như với gái mại dâm chẳng hạn. Trên thưcï tế, nguyên tắc trung thành và tiết chế dường như không hữu hiệu tại Việt Nam vì thành phần chích ma túy và gái mại dâm chiếm một tỉ lệ lớn trong số những người lây nhiễm HIV/AIDS. Vậy thì chính sách ngăn ngừa sự lây nhiễm bằng cách quảng bá việc xử dụng bao cao su của Việt Nam có gì điều mâu thuẫn với điều kiện viện trợ hay không? Sau đây là ý kiến của Bộ Trưởng Y Tế Việt Nam:

Về chính sách viện trợ, hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với chương tirnh phòng chống HIV/AIDS hoặc là thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình thì chúng tôi nghĩ rằng không có gì mâu thuẫn hoặc là trái ngược. Thứ nhất là chúng tôi cũng đang triển khai chương trình phòng chống lây nhiễm qua đường tiêm chích, qua đường tình dục vì cơ cấu nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam cũng như ở một số nước, tỉ lệ lây nhiễm qua tiêm chích hoặc qua đường tình dục có tỉ lệ khá cao. Vì vậy nếu xử dụng bao cao su hoặc kim tiêm sạch là một trong những yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn phòng chống sự lây nhiễm HIV/AIDS.

Tính cho tới nay các chiến dịch phòng chống dịch bệnh SARS và cúm cầm điểu của Việt Nam đã được cho là thành công và được coi là mô hình cho các quốc gia khác noi theo. Tuy nhiên đối với sự lan tràn của HIV/ AIDS thì cơ cấu phòng chống như vậy có đem lại kết quả tương đương hay không ?

Về hệ thống để phòng chống SARS cũng như là phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 thì đúng là chúng tôi đã tổ chức một mô hình, một hệ thống rất có hiệu quả và phản ứng rất nhanh trong các tình huống xảy ra, đặc biệt là sự hợp tác, liên kết các bộ ngành, kể cả sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư và kể cả thông qua các truyền thông đại chúng. Chúng tôi công khai các thông tin cũng như các sự hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế nói chung, kể cả hợp tác với tổ chức Y Tế Thế Giới v..v..Đối với vấn đề phòng chống HIV/AIDS thì một mô hình tổ chức cũng giống như thế, nhưng mà phòng chống HIV/AIDS là một câu chuyện rất dài, nó có một lộ trình dài, không có tính đột biến hoặc tính khẩn cấp như dịch cúm gia cầm hoặc SARS, nhưng nó cũng khẩn cấp theo một mức độ và nó có một tính cách lâu dài và phải bảo đảm được tính bền vững. Vì vậy chúng tôi tổ chức hệ thống cũng giống như hệ thống phòng chống dịch cúm gia cầm hoặc phòng chống SARS trước đây. Mà chính vì phát huy tổ chức cái hệ thống và cái mối quan hệ giữa các bộ ngành của một quốc gia và mối quan hệ với các tổ chức NGOs, các tổ chức quần chúng và sự hợp tác, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân là một hiệu quả nên chúng ta mới đạt được thành công đó.

Theo thống kê thì trung bình hiện nay mỗi ngày Việt Nam có chừng 100 người lây nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên con số bệnh nhân nghèo được thụ hưởng thuốc đặc trị vẫn còn rất ít, cho dù là thụ hưởng qua quĩ PEPFAR hay qua ngân sách của chính phủ Việt Nam, bởi lẽ thuốc trị liệu bệnh này vẫn còn quá đắt, mà Việt Nam thì chưa được Hoa Kỳ chấp thuận cho xử dụng bản quyền để sản xuất thuốc tại nội địa:

Hiện nay về thuốc ARV để điều trị cho những người bị nhiễm HIV/AIDS thì so với nhu cầu còn rất xa, chỉ có khoảng vài ngàn người là được hưởng thụ những thuốc đó. Còn chính phủ Việt Nam thì hằng năm cũng đưa một nguồn ngân sách rất lớn, trị được cho vài ngàn người được hưởng thụ thuốc này, vì thuốc này rất là đắt mà Việt Nam chúng tôi thì đang khó khăn, vì vậy chúng tôi cũng đã kiến nghị với bộ trưởng Y Tế của Hoa Kỳ làm thế nào để giúp cho chúng tôi được phép sản xuất thuốc ở trong nước, mà hiện nay có một số công ty có năng lực sản xuất được trong nước và yêu cầu giúp cho chúng tôi về vấn đề bản quyền. Như vậy chúng tôi có thể sản xuất được thuốc nhiều hơn, rẻ hơn và đáp ứng được nhu cầu lớn hơn cho những người cần đến thuốc ARV hiện nay, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS. Nếu chúng ta có thuốc dùng thì nó sẽ hạn chế được sự lây lan từ mẹ sang con.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG