Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia y tế quốc tế ca ngợi Việt Nam chận đứng được cúm gia cầm


Các chuyên gia y tế quốc tế hôm thứ sáu ca ngợi Việt Nam đã chận đứng được dịch cúm gia cầm nhưng đồng thời cũng cảnh báo chớ nên tự mãn trong khi quốc gia này tiến vào giai đoạn phòng chống.

Vào lúc kết thúc chuyến đi thăm 10 ngày tại Việt Nam, bác sĩ Hans Troedsson, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể từ chỗ từng là một nước bị dịch bệnh này nặng nhất đến chỗ chận đứng được bệnh đó.

Kể từ khi dịch cúm gia cầm bộc phát vào khoảng cuối năm 2003, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 42 người chết trong số 93 người bị nhiễm virút bệnh này. Mặc dầu không có vụ bộc phát naò xảy ra trong 4 tháng nay và không có trường hợp nhiễm bệnh nào trong 6 tháng qua, bác sĩ Troedsson cảnh báo rằng tình trạng nguy hiểm vẫn còn đó.

Vào lúc dịch bệnh này lên tới cao độ vào khoảng đầu năm 2004, ngót ¼ các xã và 60% thị trấn đã bị ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam đã đáp ứng bằng cách giết chết hơn 50 triệu gà vịt, đóng cửa nhiều chợ buôn bán gia cầm, tiêm chủng hằng triệu gà vịt và gia tăng các dịch vụ y tế và thú y.

Hồi tháng giêng vừa qua, tại một hội nghị quốc tế về cúm gia cầm ở Bắc Kinh, các quốc gia và tổ chức đã cam kết đóng góp một tỷ 900 triệu đô-la đã chống lại dịch bệnh này trên khắp thế giới. Từ đó, Việt Nam đã cố gắng hoạch định một chương trình hành động trung hạn và dài hạn trên toàn quốc.

Việt Nam sẽ trình bày kế hoạch này tại một hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào hai ngày 4 và 5 tháng 5 tới đây. 12 cơ quan quốc tế, kể cả Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, cùng với các quốc gia cấp viện đã đánh giá chương trình này cũng như những tiến bộ tại Việt Nam trong 10 ngày qua.

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 50 triệu đô la viện trợ, tiền vay và tín dụng để phòng chống dịch cúm gia cầm. Việt Nam đang đề nghị một chương trình trị giá từ 400 triệu đến 500 triệu đô la cho thời khoản 2006 đến 2010.

Bác sĩ Troedsson nói rằng thách đố chính của Việt Nam hiện nay là phải nâng cao ý thức của người dân về virút gây nên dịch bệnh này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG