Đường dẫn truy cập

Ðối thoại an ninh 3 bên giữa Hoa kỳ-Australia, và Nhật Bản


Thứ năm vừa qua phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung quốc cho biết chính sách quốc phòng của quốc gia đông dân nhất thế giới này có tính chất trong suốt và chỉ giới hạn vào mục tiêu phòng vệ. Ông Tần Cương tuyên bố như thế một ngày sau khi ngoại trưởng Condoleeza Rice bày tỏ quan tâm về sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung quốc khi bà đến Australia để dự cuộc đối thoại an ninh 3 bên, gồm Hoa kỳ-Australia, và Nhật bản. Một số chi tiết về diễn tiến này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây:

Hoa kỳ, Nhật bản, và Australia đã lên tiếng ca ngợi những hoạt động của Trung quốc ở Á châu giữa lúc nhiều nhà quan sát cho rằng Washington có ý định tăng cường mối quan hệ chiến lược với Tokyo và Canberra để bao vây Bắc kinh. Trong thông cáo chung phổ biến hôm thứ bảy vừa qua ở Sydney vào lúc kết thúc hội nghị an ninh cấp bộ trưởng đầu tiên, các vị ngoại trưởng của Hoa kỳ, Australia và Nhật bản nói rằng: chính phủ ba nước hoan nghênh sự can dự có tính chất xây dựng của Trung quốc ở khu vực Á châu Thái bình dương và tán đồng ý kiến cho rằng cần phải tăng cường sự hợp tác với các đối tác khác ở Á châu như khối Asean và Nam Triều tiên.

Trong cuộc họp báo chung hôm thứ sáu với thủ tướng John Howard của Australia, ngoại trưởng Hoa kỳ, bà Condoleeza Rice, cho biết chính phủ ở Washington muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc kinh và không hề có ý định theo đuổi một sách lược bao vây kiểu chiến tranh Lạnh để chống Trung quốc. Ngoại trưởng Rice nói thêm rằng: Trung quốc chỉ là một trong những đề tài chính được mang ra thảo luận tại cuộc đối thoại an ninh:

Hoa kỳ, Nhật bản và Australia có một chương trình nghị sự bao gồm rất nhiều vấn đề. Chương trình này không chỉ bao gồm những vấn đề liên quan tới Trung quốc mà còn liên quan tới vùng Đông Nam Á. Đây là một chương trình làm việc của 3 nước chúng tôi trong khối APEC và cũng là một chương trình có tính chất toàn cầu. 3 nước chúng tôi sát cánh với nhau ở Iraq và ra sức làm việc chung với nhau ở Afghanistan. Đồng thời, chúng tôi còn hợp tác với nhau để đối phó với vấn đề khuyếch tán vũ khí hạt nhân.

Cũng tại cuộc họp báo này, bà Rice nói rằng: Hoa kỳ, Nhật bản và Australia muốn tạo ra những điều kiện thuận lợi ngõ hầu sự trỗi dậy của Trung quốc là một sức mạnh tích cực cho vùng Á châu Thái bình dương. Bà nói thêm rằng Hoa kỳ đang có những mối quan hệ tốt đẹp với Trung quốc và Washington luôn luôn ủng hộ cho việc tăng cường các mối quan hệ giữa Trung quốc với Nhật bản.

Ngoại trưởng Australia, ông Alexander Downer, cũng đã ra sức trấn an giới lãnh đạo ở Bắc kinh rằng cuộc đối thoại chiến lược giữa nước ông với Hoa kỳ và Nhật bản không hề nhắm tới mục tiêu bao vây Trung quốc. Tại cuộc họp báo hôm thứ 7, người cầm đầu công tác ngoại giao của Australia đã tuyên bố như sau:

Việc Australia, Nhật bản và Hoa kỳ tiến hành những cuộc họp định kỳ để thảo luận về những vấn đề khu vực và toàn cầu là một việc rất tự nhiên. Hành động này không nên được diễn giải như một âm mưu nhằm chống lại Trung quốc.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ở Australia ông Downer cũng đã phác họa một hình ảnh khá lạc quan về vai trò của Trung quốc trên trường quốc tế. Theo lời ông Downer, việc Trung quốc tham gia vào những nỗ lực nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng hạt nhân Bắc triều tiên chính là một thí dụ điển hình cho thấy cách hành xử “có trách nhiệm” của giới lãnh đạo ở Bắc kinh.

Thông cáo chung công bố ở Sydney hôm thứ bảy cùng với những phát biểu có tính chất hòa hoãn đối với Bắc kinh của các vị ngoại trưởng Australia và Hoa kỳ đã được đưa ra trong lúc các giới chức ở Washington và Tokyo tiếp tục bày tỏ quan tâm về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung quốc.

Hồi đầu tháng này, Trung quốc loan báo rằng ngân sách quốc phòng chính thức của họ trong năm nay sẽ tăng 14,7% để lên tới 35 tỉ đô la, tăng hơn gấp đôi con số của năm 2000. Theo một bản phúc trình hồi năm ngoái của các giới chức Ngũ giác đài, mức chi tiêu quân sự của Trung quốc trên thực tế cao gấp ba lần con số chính thức mà Bắc kinh loan báo. Tại cuộc họp báo ở Sydney hôm thứ tư, ngoại trưởng Condoleeza Rice của Mỹ nói rằng Washington rất đỗi quan tâm về sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung quốc và giới hữu trách Bắc kinh nên có thái độ minh bạch hơn về chương trình quân sự của mình. Tháng 12 năm ngoái, ngoại trưởng Taro Aso của Nhật cũng nói rằng Trung quốc đang trở thành một mối đe dọa mà ông gọi là “rất đáng kể”. Ngoại trưởng Aso cho biết chính phủ ông rất quan tâm trước tình trạng là chi tiêu quốc phòng của Trung quốc đã gia tăng với tốc độ hơn 10% trong vòng 17 năm liên tiếp. Tuần trước, bộ ngoại giao ở Tokyo cũng lên tiếng hối thúc Trung quốc có thái độ trong suốt về các chương trình tăng cường sức mạnh quân sự của mình.

Trong lúc Washington và Tokyo nhiều lần công khai bày tỏ mối lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc kinh, giới lãnh đạo ở Canberra lại có một lập trường khác hẳn về vấn đề này. Năm 1992, Australia quyết định thu hồi lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc mà họ áp dụng năm 1989 sau khi xảy ra vụ thảm sát Thiên an môn. Năm ngoái, Australia cũng quyết định không hậu thuẫn cho việc Hoa kỳ và Nhật bản yêu cầu Liên hiệp Aâu châu tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Bắc kinh. Trước đó, ngoại trưởng Downer của Australia cũng khiến cho giới hữu trách Washington và Tokyo bất bình hồi năm 2004 khi ông tuyên bố rằng: hiệp ước phòng thủ chung Hoa kỳ-Australia không áp dụng trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột giữa Hoa kỳ với Trung quốc về vấn đề Đài loan.

Một số nhà phân tích cho rằng: quan điểm chiến lược của Australia đối với Trung quốc bị ảnh hưởng quá độ bởi các yếu tố kinh tế, và điều này có thể tạo ra những mối chia rẽ trong quan hệ liên minh giữa Canberra với Washington và Tokyo. Trong khoảng 5 năm vừa qua, lượng xuất khẩu của Australia sang Trung quốc đã tăng hơn gấp đôi và Trung quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn hàng thứ ba của Australia.

Tuy chú ý tới một số khác biệt về lập trường đối với Trung quốc giữa Australia với Hoa kỳ và Nhật bản, nhiều các nhà quan sát cũng cho rằng đã đến lúc các hiệp định an ninh song phương trong vùng Á châu Thái bình dương nên được phát triển để trở thành những giàn xếp an ninh đa phương nhằm đối phó với những thách đố mới trong khu vực này, đặc biệt là đối với sự chuyển đổi nhanh chóng ở Trung quốc. Theo tường thuật hôm thứ năm của hãng tin Cybercast ở Mỹ, giáo sư Nick Bisley của Đại học Monash ở Australia nói rằng: Trung quốc có thể sẽ xem liên minh quân sự 3 bên giữa Hoa kỳ, Nhật bản và Australia như một mối đe dọa, và vì thế 3 quốc gia này cần ra sức thuyết phục Bắc kinh rằng sự hợp tác về an ninh thay vì đối đầu là phù hợp với quyền lợi của Trung quốc. Giáo sư Bisley cũng đề nghị rằng trong thời gian tới đây các phe liên hệ nên cứu xét tới việc hình thành một mối quan hệ với Trung quốc tương tự như mối quan hệ giữa Nga với liên minh Nato hiện nay.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG