Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn bà Tôn Nữ Thị Ninh về quan hệ Mỹ-Việt và vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam


Một nhân vật lãnh đạo cơ quan lập pháp của Việt Nam nghĩ rằng hiện còn rất ít bất đồng trong lập trường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan đến việc ký kết một thỏa thuận thương mại song phương, và hy vọng rằng vòng đàm phán giữa Washington và Hà nội trong vài tuần lễ tới sẽ là vòng cuối cùng.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, đã khẳng định như thế trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, nhân dịp bà đến thăm Hoa Kỳ cùng một đoàn các nhà lập pháp Việt Nam do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu dẫn đầu. Xin mời quý thính giả theo dõi những nội dung chính của cuộc phỏng vấn này do Nguyễn Lê thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam đến Washington vào một thời điểm được Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh mô tả là “trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều tiến triển tốt đẹp.” Tháng 6 năm 2005, khi Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Hoa Kỳ, ông đã được Tổng thống Bush hứa ùng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO, và điều này đã đưa đến những suy đoán là Việt Nam sẽ được Tổ chức thương mại quốc tế này thu nhận trước cuối năm ngoái. Nhưng cũng giống như nhiều tiên đoán trước đó, năm 2005 đã qua mà việc Việt Nam gia nhập WTO vẫn chưa trở thành hiện thực. Mục đích tổng quát của đoàn các nhà lập pháp Việt Nam trong chuyến đi Hoa Kỳ lần này là góp phần thay đổi tình hình đó. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói:

Đó là góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, đặc biệt là trong năm 2006, như quí vị cũng biết tháng 11 năm nay, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao APEC. Trong khuôn khổ năm nay, còn có mục tiêu quan trọng nữa là Việt Nam đang nỗ lực phối hợp với Hoa Kỳ để có thể gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và dành qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cần thiết để tư cách thành viên tổ chức thương mại thế giới WTO có hiệu lực. Ðó có thể nói đó là mục tiêu tổng quát của đoàn.

Để đạt mục đích này, trong thời gian ở Washington, đối tượng chính mà các nhà lập pháp Việt Nam tiếp xúc là các đại biểu Quốc hội Mỹ cả ở Thượng viện lẫn Hạ viện, đặc biệt là những người mà bà Tôn Nữ Thị Ninh gọi là những “bạn bè cũ và lâu năm” của Việt Nam như Nghị sĩ John McCain chẳng hạn. Bà cho biết như thế là bởi vì đoàn Việt Nam hiểu rằng thẩm quyền quyết định đã đến lúc dành cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn hay chưa thuộc về Quốc hội Mỹ. Các nhà làm luật Việt Nam xem những cuộc tiếp xúc này là một cơ hội để nói lên lập trường của mình. Bà Tôn Nữ Thị Ninh giải thích:

Như vậy là để làm gì? Để chúng tôi khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập, xây dựng pháp luật cho nó phù hợp với các quy định của WTO và hướng tới những điều kiện cần thiết cho PNTR. Và cũng hy vọng là với thiện chí và quyết tâm đó của Việt Nam, phía Quốc hội Hoa kỳ cũng sẽ xem xét tích cực.

Theo đánh giá của Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, lập trường của hai nước trong vấn đề thương thảo thỏa thuận song phương cần thiết cho việc Quốc hội Mỹ chấp thuận dành cho Việt Nam quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn không còn khác biệt bao nhiêu, và những bất đồng này sẽ sớm đước giải quyết trong vòng vài tuần tới. Tuy nhiên, một số nhà quan sát nghĩ rằng việc Quốc hội Mỹ sắp bước vào thời kỳ chuẩn bị vận động cho các cuộc bầu cử vào tháng 11 và việc Việt Nam muốn được gia nhập WTO trước khi Hà Nội đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay có thể sẽ được các nhà lập pháp Hoa Kỳ khai thác để hy vọng dành thêm nhượng bộ từ phía Việt Nam. Bà Tôn Nữ Thị Ninh không tin điều đó sẽ xảy ra. Bà nói:

Về phía Việt Nam thì chúng tôi có thể khẳng định là Việt Nam đã xem xét rất là kỹ và đã có đưa ra những dề nghị rất là cố gắng, và điều đó đã đuợc ghi nhận trong phiên đàm phán song phương ở Hà nội vào giữa tháng giêng vừa rồi. Và như vậy thì cái khoảng cách còn lại chính phía Mỹ cũng thừa nhận chỉ còn có ít thôi. Cho nên chúng tôi hy vọng là trong những tuần lễ sắp tới sẽ có thêm một vòng (đàm phán) mà chúng tôi hy vọng sẽ là vòng cuối cùng, thì khoảng cách đó sẽ đuọc rút ngắn hoàn toàn. Nhưng chúng tôi không nghĩ là ngoài những khoảng cách nho nhỏ đó, phía Quốc hội (Hoa Kỳ) lại có thể nghĩ ra những yêu cầu gì cao hơn nữa. Vì theo chúng tôi hiểu thì Việt Nam đã cố gắng hết sức rồi.

Tuy nhiên bà Tôn Nữ Thi Ninh cũng xác nhận chuyến đi vận động lần này của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam chỉ là một phần trong quá trình những nỗ lực chung của nhà nước Việt Nam, tuy rằng những hoạt động của đoàn sẽ có phần đóng góp nhất định vào việc thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước và việc Việt Nam được thu nhận vào WTO.

Thực ra thì chuyến đi này của đoàn đại biểu Quốc hội (Việt Nam) cũng chỉ là một trong những bước đi, những viên gạch để góp sức, góp phần vào một nỗ lực chung. Chắc chắn là sẽ có những đoàn khác cũng có những cuộc tiếp xúc khác của các kênh khác nhau bên hành pháp, bên doanh nghiệp. Và lần này cũng vì lẽ đó mà chúng tôi không những chỉ tiếp xúc với Quốc hội, mà còn tiếp xúc cả với bên chính quyền, cả với doanh nghiệp Mỹ và cũng tìm cách tìm hiểu về phần tư vấn của các công ty tư vấn để họ giải thích cho chúng tôi hiểu thật là rõ. Nói một cách khác thì chúng nghĩ thì mọi kết quả phải là một kết quả của một quá trình tổng hợp chứ không thể là riêng đoàn chúng tôi mà giải quyết được vấn đề đâu. Nhưng mà góp phần thì chắc chắn là có, và về phía chính quyền và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng rất hoan nghênh chuyến đi của chúng tôi và cho rằng nó rất là đúng lúc. Nhiều người đối thoại về phía Mỹ đều cho rằng chuyến đi này rất là đúng lúc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG