Đường dẫn truy cập

WTO đạt được thỏa thuận tạm thời


Giữa những cuộc biểu tình của các nhân vật tranh đấu chống toàn cầu hóa và sau những cuộc thương thuyết gay go, các bộ trưởng tham dự cuộc họp của tổ chức Thương Mại Thế Giới đã đưa ra được một kết quả mà ít ai dám trông đợi: đó là bản hiệp định để thăng tiến tự do mậu dịch toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo phát triển kinh tế trong nước họ.

Các Bộ Trưởng đã phải làm việc vất vả suốt đêm thứ bảy trước khi khai thông được bế tắc từng khiến cho các quốc gia đang phát triển chống lại các nước giàu và cũng từng làm cho các nước giàu bất đồng ý kiến với nhau.

Khi thời hạn sắp hết, các cuộc thương thuyết trở nên căng thẳng và đã đưa ra được một hiệp định tạm để giúp tiếp tục tiến tới tình trạng tự do hóa.

Trong bản hiệp định này, các quốc gia giàu có hơn cam kết sẽ đưa ra nhiều nhượng bộ cho những quốc gia ít phát triển nhất thế giới, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp và tiến vào thị trường.

Trong một diễn văn kết thúc các cuộc thảo luận kéo dài 6 ngày, Tổng Giám Đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Pascal Lamy đã ca ngợi các quốc gia thành viên vì theo lời ông, họ đã đưa ra một bước tiến quan trọng nhắm bảo đảm rằng các quốc gia nghèo trên thế giới được hưởng lợi của tự do mậu dịch.

Ông nói Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới đang tạo lập thế quân bình một cách lành mạnh và bền vững cho Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới theo chiều hướng có lợi cho các quốc gia đang phát triển.

Và trong lúc các đại biểu cảm thấy biết ơn là hội nghị đã đạt được một hiệp ước, nhưng kết quả này vẫn còn xa với mục tiêu lúc ban đầu của hội nghị tại Hồng Kông. Lúc đầu, người ta dự tính hội nghị này sẽ đưa ra được một công thức chi tiết để cắt giảm mức thuế quan và các rào cản mậu dịch, tức là những gì cần thiết để hoàn tất điều được gọi là Nghị Trình Phát Triển Doha của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã có từ 4 năm nay.

Các cuộc thảo luận trước đó đã gặp bế tắc phần lớn là do Liên Hiệp châu Âu từ chối không cam kết một thời hạn chắc chắn để chấm dứt bao cấp cho các nông phẩm xuất khẩu. Một thời hạn hắc chắn là một đòi hỏi chính yếu của các quốc gia đang phát triển.

Sau khi Hoa Kỳ và các quốc gia đang phát triển gồm cả Brazil tạo áp lực, Bruxelles đã nhượng bộ, với lý do nêu ra rằng họ làm như thế là để thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa.

Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhượng bộ, gồm việc tăng gấp đôi viện trợ phát triển mậu dịch cho các quốc gia nghèo lên tới 2,7 tỉ đô la 1 năm. Các giới chức Hoa Kỳ cũng nói là họ sẽ để cho bông vaỉ của Châu Phi được nhập khẩu miễn thuế vào Hoa Kỳ.

Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải của Tanzania, ông Mark Mwandosya nói rằng ông hy vọng hiệp ước này sẽ đưa các quốc gia châu Phi bắt đầu tiến vào một con đường mới.

Ông Mwandosya nói rằng châu Phi đã phải lệ thuộc vào viện trợ từ nửa thế kỷ nay, và viện trợ chẳng giúp cho châu Phi thoát khỏi cảnh nghèo khó. Hãy để cho châu Phi thử xử dụng phương cách thương mại, và chỉ có 1 chỉ dấu duy nhất chứng tỏ là kết quả các cuộc thương thuyết này sẽ có thành công hay không sẽ tùy thuộc vào chuyện các quốc gia sẽ có dùng giao thương để xóa nạn nghèo khó hay không.

Ngay cả ông Tổng Giám Đốc Lamy cũng công nhận rằng còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất nghị trình của vòng đàm phán Doha. Bản hiệp định đã đặt thời hạn là 30 tháng tư năm tới cho 149 quốc gia thành viên phải thiết đặt được một công thức chính xác hơn hầu thúc đẩy chương trình nghị sự tiến tới.

Tin mới nhất cho hay những người chỉ trích hiệp ước này nói rằng bản hiệp định không đòi các quốc gia giàu có làm đủ những gì cần làm để giúp các nước nghèo.

Trong lúc các bộ trưởng kết thúc cuộc đàm phán, những người biểu tình ngoài đường phố Hồng Kông đã diễn hành một lần cuối.

Hôm chủ nhật, không nghe nói có vụ đụng độ nghiêm trọng nào giữa những người biểu tình với lực lượng cảnh sát.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG