Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm trên toàn cầu


Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc trong tuần trước, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã kêu gọi sự hợp tác của quốc tế trong nỗ lực chống sự lây lan của dịch cúm gia cầm trên thế giới. Theo lời các chuyên gia thì ngày nay dịch bệnh này không chỉ giới hạn tại các nước châu Á mà còn có thể lan rộng sang châu Âu. Sau đây là một số dữ kiện liên quan đến nguy cơ của dịch bệnh này và chiến dịch chủng ngừa lần đầu tiên đang diễn ra tại Việt Nam, nơi mà các chuyên gia xem như là tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch cúm gia cầm trên toàn cầu, qua các chi tiết do Trần Nam lược thuật từ các nguồn tin nước ngoài và Việt Nam:

Sau những thiệt hại lớn lao chưa từng thấy do trận bão Katrina gây ra tại Hoa Kỳ, những lời kêu gọi chuẩn bị đầy đủ hơn để đối phó với thiên tai và bệnh tật dường như đã trở thành một nhu cầu cấp bách, trong đó có dịch cúm gia cầm.

Theo các chuyên gia thì dịch cúm gia cầm có thể gây thiệt mạng đến 7 triệu người trên thế giới trong một thời gian ngắn nếu dịch bệnh này không được ngăn chận tại Đông Nam Á trước khi vi rút H5N1 có thể đột biến và trở thành một loại có khả năng lây bệnh từ người sang người. Giám Đốc của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam là ông Hans Troedsson nói rằng cúm gia cầm không phải là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề sức khỏe của dân chúng trên thế giới, và Việt Nam là nước ở tuyến đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống dịch bệnh này.

Hiện nay với sự giúp đỡ một phần về mặt tài chính và kỹ thuật từ các nước ngoài, chính quyền Việt Nam đã bắt đầu một chiến dịch chủng ngừa cúm gia cầm cho khoảng 60 triệu gà vịt tại 47 trong số 64 tỉnh và thành phố ở Việt Nam, từ nay cho đến trước mùa Đông, tức là thời gian mà vi rút H5N1 thường hay hoành hành nhất.

Một giới chức Thú Y tại Việt Nam nói rằng ngoài việc chủng ngừa, chương trình này còn bao gồm các hoạt động thông tin, giáo dục, tẩy trùng các khu chợ bị ô nhiễm và những nơi khác cũng như kiểm soát việc thi hành các luật lệ về chuyên chở gà vịt. Bộ Y Tế Việt Nam cho hay Bộ này đã đề nghị sự giúp đỡ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong việc thiết lập các hệ thống theo dõi tại 800 bệnh viện trên toàn quốc.

Theo lời các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì hơn bất cứ nước nào khác, chiến dịch phòng chống vi rút H5N1 tại Việt Nam, một nước nghèo và đông dân, là điều vô cùng quan trọng để ngăn chận dịch cúm gia cầm toàn cầu.

Ông Anton Rychener, Giám Đốc Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nói rằng cũng giống như trường hợp các con vịt trời mắc bệnh, gia cầm có thể mang virút H5N1 mà không có dấu hiệu nào ở bên ngoài. Trường hợp điển hình là trong số 10 ngàn con vịt được mang ra thử nghiệm trong nửa đầu năm nay tại Việt Nam, có đến 70% bị nhiễm vi rút H5N1 mà không cho thấy triệu chứng nào ở bên ngoài. Sự kiện này cho thấy rằng rất khó mà phát hiện và theo dõi để ngăn chận sự lây nhiễm vi rút cúm gia cầm một cách hữu hiệu, nhất là khi gà vịt được nuôi trên sân sau của hầu hết mọi nhà tại các vùng nông thôn, nơi có đến 76% trong số 82 triệu dân Việt Nam sinh sống, mặc dù trong những năm gần đây kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và các khu vực đô thị được mở rộng.

Thử thách khác tại Việt Nam cũng như tại các nước châu Á khác là những người chăn nuôi gà vịt ít khi hợp tác với chính quyền trong việc báo cáo số gà vịt của mình bị mắc bệnh vì Nhà Nước không có đủ ngân khoản để bồi thường thỏa đáng cho số gà vịt bị mắc bệnh của họ được mang ra tiêu hủy.

Tính từ cuối năm 2003 đến nay tại châu Á, ngoài hàng chục triệu gà vịt bị mang ra giết để đề phòng sự lây nhiễm, có ít nhất là 64 người đã bị thiệt mạng vì cúm gia cầm, trong đó có 44 người tại Việt Nam. Cúm gia cầm chẳng những bộc phát tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchea, Hoa Lục, Hồng Kông mà còn lan rộng đến 6 khu vực tại Nga và Kazakhstan.

Tuy số người bị thiệt mạng vì cúm gia cầm không đáng kể so với các bệnh khác trong thời gian gần đây, chẳng hạn như bệnh SARS, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Liên Hiệp Châu Âu, trong nhiều tháng qua đã hối thúc các nước trên thế giới hãy chuẩn bị cho việc có thể xảy ra một đại dịch cúm gia cầm.

Theo các nhà khoa học thì có 2 yếu tố khiến cho vi rút cúm gia cầm có thể châm ngòi cho một cơn đại dịch trên thế giới. Thứ nhất đây là một loại vi rút mới, cơ thể con người chưa có sức đề kháng. Bằng chứng là trong thời gian qua có đến phân nửa số người bị nhiễm vi rút này đã bị thiệt mạng. Yếu tố thứ hai, và cũng là điều mà các chuyên gia lo ngại nhất, là một ngày nào đó virút H5N1 có thể biến chủng, qua những tiến trình sinh hóa, để trở thành một loại vi rút lây nhiễm dễ dàng từ người sang người.

Chẳng những tại các nước nghèo ở châu Á mà các nước giàu có trên thế giới cũng đã gia tăng các nỗ lực phòng chống bằng cách mua các loại thuốc chủng ngừa và chống vi rút H5N1 để bảo vệ dân chúng.

Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư tuần trước, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đề nghị một sự hợp tác quốc tế để chống lại dịch bệnh này. Trước đó Hoa Kỳ đã loan báo việc chi tiêu 100 triệu đô la để mua một loại thuốc chủng ngừa của công ty dược phẩm Sanofi Aventis của Pháp mặc dầu loại thuốc này vẫn đang còn trong vòng thử nghiệm.

Trong thời gian gần đây khoảng 30 quốc gia đã đặt mua các loại thuốc chống vi rút để chuẩn bị cho việc đối phó với dịch bệnh này. Trong số đó có Australia, Pháp , Anh, Singapore và Nam Triều Tiên.

Có 2 cách phòng chống dịch cúm gia cầm được nhiều chính phủ xem là hữu hiệu nhất. Thứ nhất là sử dụng một loại thuốc chủng mới, hiện đang trong giai đoạn cuối cùng của những cuộc thử nghiệm tại các bệnh viện, và cách thứ hai là mua một trong nhiều loại thuốc kháng sinh, có khả năng rút ngắn thời gian bị bệnh của những người bị lây nhiễm, cũng như làm giảm bớt tình trạng trầm trọng của bệnh nhân và những biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên theo các chuyên gia thì dù có những chuẩn bị như vậy nhưng người ta vẫn chưa an tâm. Giới này nói rằng việc hoạch định phương cách đối phó với một đại dịch trên thế giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các thuốc chủng ngừa bệnh này vẫn còn mới lạ, và các loại thuốc kháng sinh hiện nay chưa hề được dùng để đối phó với một dịch bệnh như vậy trước đây.

Vấn đề căn bản là virút H5N1 vẫn chưa thay đổi để trở thành một loại vi rút có thể lây nhiễm từ người sang người. Các giới chức y tế vẫn chưa biết một cách chính xác về việc làm thế nào để diệt trừ loại vi rút này một cách hữu hiệu khi chúng biến đổi sang một dạng khác. Lúc đó họ mới có thể nghiên cứu thành phần cấu tạo và mức độ nguy hiểm của chúng như thế nào để diệt trừ.

Ông Dick Thompson, phát ngôn viên của Tổ chức Y Tế Thế Giới, nói rằng biết đâu lúc đó vi rút cúm gia cầm không còn là loại H5N1 hoặc sẽ thay đổi theo một cách nào đó mà các loại thuốc loại thuốc chủng ngừa đang được phát triển hiện nay sẽ không còn hiệu lực đối với chúng nữa.

Tuy nhiên cũng theo lời giới chức này thì việc chi tiêu những ngân khoản lớn lao để đặt mua các loại thuốc đang được thử nghiệm như vậy không phải là một việc làm vô ích vì điều này sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm ra sức tìm tòi, nghiên cứu để phát minh các loại thuốc diệt cúm trong tương lai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG